Giải mã hiện tượng nền nhà tự nhiên nóng

13:47, 10/12/2009

Bước đầu, nhà khoa học khẳng định không thể có chuyện nền nhà nóng đến 80 độ C như báo chí đưa. Không có mối liên quan nào giữa hiện tượng nền nhà nóng và vấn đề tâm linh.

Mấy ngày qua, dư luận đề cập nhiều đến hiện tượng sàn nhà nóng lên bất thường của gia đình bà Hứa Thị Lợi (tổ 15, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng). Sáng sớm ngày 9/12, PV báo KH&ĐS đã cùng KS Bùi Văn Thứ, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã về Hải Phòng để làm sáng tỏ hiện tượng lạ này.[links()]

Bước đầu, nhà khoa học khẳng định không thể có chuyện nền nhà nóng đến 80 độ C như báo chí đưa. Không có mối liên quan nào giữa hiện tượng nền nhà nóng và vấn đề tâm linh.

Khảo sát hiện trường

9h sáng, đoàn công tác của báo KH&ĐS đã có mặt tại nhà bà Lợi. Bà Hứa Thị Lợi, chủ nhà kể lại: Sáng ngày 1/12, khi ngủ dậy đi từ trên gác xuống bậc cuối cùng của bậc thang, bà hốt hoảng thấy nóng bỏng chân.

Chỉ tay vào hai viên gạch lát nhà dưới chân cầu thang, bà Lợi cho biết, đây chính là nơi nóng nhất của căn nhà. Bà Lợi ngay lập tức đi báo chính quyền địa phương và Sở KH&CN.

 KS Thứ và bà Lợi so sánh độ nóng giữa 2 viên gạch.
 KS Thứ và bà Lợi so sánh độ nóng giữa 2 viên gạch.

Theo quan sát, mảnh đất trên ngôi nhà bà Lợi và bà con trong khu phố nguyên là đất trồng rau. Căn nhà của bà Lợi là nhà kiên cố 3 tầng, xây từ năm 2006. Nền gạch nhà mà cụ thể là chỗ nóng nhất được làm bằng gạch men giả vân gỗ.

Khi xây, bà cho biết, không gặp bất cứ một hiện tượng lạ nào tương tự. Đây là hiện tượng phát sinh lần đầu tiên kể từ khi bà ở trong căn nhà này.

 Nhiệt kế chỉ 26 độ C.
 Nhiệt kế chỉ 26 độ C.

Bà con khu phố cho biết, trước đây có một trung đoàn bộ đội đóng quân ở đây và trong một lần ném bom, có 2 cô gái hy sinh trên địa bàn này. Bà Vũ Thị Thu, người cùng xóm vừa kể vừa nhấn mạnh, có thể linh hồn các cô gái đã gây nên chuyện này vì gia đình tới chiếm đất của họ(?!).

Đồng tình với bà Thu, nhiều bà con khăng khăng khẳng định rằng, ngôi nhà có rất nhiều dấu hiệu lạ, như cứ đến gần cửa là ánh điện của nhà lại tự sáng. Bà cũng cho biết thêm, hôm sàn nhà bà Lợi nóng lên, bà cũng có mặt ở đó. "Nóng lắm, nóng lên tới 80 độ C", bà Thu nói.

Đổ nước vào kiểm tra nhưng đã không còn nóng nữa
Đổ nước vào kiểm tra nhưng đã không còn nóng nữa

Có lẽ vì vậy nên mọi người ở đây gọi ngôi nhà này là "ngôi nhà ma có lửa". Ông Trần Văn Hoàng, người hàng xóm của bà Lợi cho biết thêm, trước đây, cách ngôi nhà hiện tại của gia đình bà Lợi khoảng 2m là một cây đa cổ lâu đời.

Người dân trong vùng thờ "ông Hổ", sau cây đa già chết đi, người ta di chuyển "ông Hổ" ra phía đầu ngõ, cách ngôi nhà bà Lợi khoảng 30m, tính từ đầu ngõ đi vào. Ngôi nhà bà Lợi là ngôi nhà đầu tiên và cùng phía với miếu thờ mới của "ông Hổ" nên có thể do việc di chuyển này gây nên hiện tượng lạ này.

Giải mã những lời đồn

Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn dụng cụ để kiểm chứng nhiệt độ nền nhà. Khi đưa nhiệt kế vào đo thử, nhiệt độ nền nhà lúc này là 25 - 26 độ C. Tuy nhiên, theo như lời bà Lợi,  việc nguội này có thể là tạm thời vì lần nóng trước bắt đầu từ 1/12 và đã nguội. Sau đó đến 6/12 lại nóng lại. "Và cứ theo chu kỳ cũ thì ngày mai (10/12) mới là "lịch" gạch nóng lên", bà Lợi khẳng định.

KS  Bùi Văn Thứ
KS  Bùi Văn Thứ

KS Bùi Văn Thứ cũng chính tay thử nhiệt độ bằng nhiệt kế cũng như dùng bàn tay đặt lên chỗ nền nhà nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ ở đây đã gần như trở lại bình thường. KS Thứ không lấy làm ngạc nhiên lắm, ông đã lý giải khá nhiều giả thuyết khi đã chứng kiến tận nơi.

Thứ nhất, ông khẳng định, chuyện nền nhà nóng 80 độ C là hoàn toàn không thể có được. Bởi thực tế cho thấy, một số các suối nước khoáng nóng, chỉ cần nhiệt độ 50 - 60 độ C là đã có thể luộc trứng chín.

Nước nóng 70 độ C đã gây bỏng, vì thế, nếu nền nhà nóng đến 80 độ C thì người chạm phải đã phải đi bệnh viện từ lâu rồi. Bên cạnh đó, nếu đo đo bằng nhiệt kế chỉ đến 50 độ C là hết cỡ, dù có cao hơn thì bàn tay của con người không thể đo đếm chính xác nhiệt độ được.

Thứ hai, không có chuyện cửa nhà bà Lợi phát sáng. Nhà bà Lợi cửa ra vào làm bằng kính, vì thế, có thể người ngoài nhìn vào đã bị khúc xạ ánh sáng làm lóa nên tưởng là cửa phát sáng mà thôi.

Khi vun lớp đất từ mảnh vườn nhà bà Lợi, KS Thứ khẳng định, đó là lớp đất đặc trưng của thổ nhưỡng trầm tích cửa sông ven biển. Giả thuyết này càng được khẳng định trước thông tin, tiền sử của mảnh đất này là khu vực bãi bồi cổ cộng hưởng với con mương An Kim Hải chạy qua địa bàn (cách nhà bà Lợi khoảng 100m - PV) nên nó chứa rất nhiều rác thải công nghiệp và sinh hoạt bị ấp lại, phân hủy.

Mương An Kim Hải chạy qua địa bàn, cách nhà bà Lợi khoảng 100m
Mương An Kim Hải chạy qua địa bàn, cách nhà bà Lợi khoảng 100m

Đất này xốp có nhiều mùn, lá cây, chất hữu cơ... những chất có thể bị phân hủy theo thời gian và gây ra nhiều khí trong đó chủ yếu là khí metan. Có thể hiểu đơn giản, việc phân hủy và tạo khí này giống như quá trình ủ khí biogas. Khí này có khả năng gây nóng.

Liên hệ lại với những câu chuyện người dân ở đây kể về một trung đoàn bộ đội từng đóng quân ở đây, KS Thứ cho rằng, đây cũng có thể là một nguyên nhân.

Ông phân tích: số lượng người của một trung đoàn phải tầm nghìn người, như vậy, nếu ngần này người sinh hoạt, ăn ở, xả thải thì lượng chất hữu cơ cũng là rất lớn. Sau một thời gian bị chôn vùi, theo nguyên lý phân hủy như trên, chúng cũng là yếu tố phát sinh khí metan gây nóng.

Còn về hiện tượng nhiệt độ nền nhà lúc nóng, lúc nguội, KS Thứ lý giải, chẳng qua đó là sự phát thải khí nhiều hay ít. Khi khí được tích tụ nhiều đến mức đẩy lên mặt đất thì chúng gây nóng. Đến khi giải phóng hết năng lượng thì chúng lại "nằm im". Việc nóng trở lại chẳng qua là lượng khí này lại được tích tụ đến đủ thì "hoành hành". Đến một thời gian nào đó, hiện tượng này sẽ tự mất đi.

Các nhà khoa học nói gì?

TS Trần Thanh Hải (Phó chủ nhiệm khoa Địa chất, trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội): Cần theo dõi nền nhà còn bị nóng hay không.

Có thể là do dưới nền nhà có lớp bùn đất có các khoáng chất. Khi các khoáng chất này bị oxy hóa thành khí. Gặp điều kiện thuận lợi khí này cháy ngầm, tỏa nhiệt gây nóng... Cần phải tiếp tục theo dõi sát xem trong thời gian tới, nền nhà của ngôi nhà này có bị nóng lên nữa không. Nếu tiếp tục nóng lên (có tính lặp lại) thì nhất định các nhà khoa học phải vào cuộc để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

KS Vũ Bằng (Công ty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ Sức khoẻ): Đây không phải là hiện tượng lạ

Muốn có bằng chứng xác thực thì phải đo đạc cụ thể. Khả năng có một mạch nước ngầm giống như suối nước nóng đi qua khu vực đó là rất hiếm, hầu như không thể xảy ra. Bởi trầm tích đất đá ở khu vực Hải Phòng không có đặc điểm giống như các vùng núi đá để có thể có một  mạch nước nóng chảy qua được.

Hiện tượng nhà nóng lên như thế này có ảnh hưởng đến sức khỏe vì nó tạo điện từ. Sóng này tác động không tốt đến hệ thần kinh và hệ tuần hoàn.

Năm 2003, PV báo KH&ĐS cũng đã từng cùng KS Bùi Văn Thứ khảo sát và giải mã hiện tượng tương tự tại Thanh Xuân (Hà Nội). Khi đó, thủ phạm gây nóng nền nhà được xác định là nền nhà được xây trên bãi rác cũ. Các chất hữu cơ từ bãi rác này cộng nước thải ứ đọng lâu ngày đã tạo khí metan gây nóng.

 Theo Bee.net.vn