Thận trọng khi sử dụng Paracetamol

09:32, 03/12/2009

Paracetamol dùng được cho nhiều loại bệnh, nhưng không nên sử dụng một cách tùy tiện.

Paracetamol dùng được cho nhiều loại bệnh, nhưng không nên sử dụng một cách tùy tiện.

Dùng quá liều dẫn đến suy gan, tử vong

Trong 3 dạng thuốc có paracetamol là uống, tiêm, đặt hậu môn, thì dạng uống sinh độc, đặc biệt đối với gan. Vì khi vào ruột, có khoảng 4% lượng paracetamol biến thành chất độc hại gan. Gan phải huy động glutathion (chất tạo sức đề kháng của cơ thể) để hóa giải thành chất không độc, đào thải ra ngoài. Khi lượng paracetamol uống vào nhiều, glutathion của gan sẽ bị cạn kiệt. Lượng chất độc do paracetamol sinh ra sẽ tích lại, phân hủy tế bào gan, dẫn đến hoại tử gan không hồi phục rồi tử vong. Điều này không được các nhà sản xuất thuốc cảnh báo trong hướng dẫn sử dụng thuốc. Paracetamol dạng tiêm và đặt hậu môn không có độc tính này, vì thuốc không đi qua ruột và gan.

 

Dùng paracetamol an toàn, hiệu quả

Đã có rất nhiều trường hợp trẻ em và người lớn bị suy gan, thận do uống paracetamol quá liều. Thậm chí, có trường hợp tử vong do ngộ độc nặng. Để việc sử dụng paracetamol được an toàn và không gây hại cho sức khỏe người dùng, dược sĩ Trần Xuân Thuyết đưa ra một số lời khuyên như sau:

- Không nên uống  thuốc có paracetamol khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,5 độ. Chỉ uống thuốc sau khi đã đo thân nhiệt chứ không uống thuốc theo cảm tính (thấy người nong nóng là uống).

- Trong trường hợp bắt buộc phải uống thuốc có paracetamol, cần uống thuốc bảo vệ gan (như Silymarin, Fortec…)

  

- Khi vào viện, cần phải cho bác sĩ biết lượng paracetamol mà mình đã uống để bác sĩ tiên lượng, tránh ngộ độc. Nếu không đau nhức, không sốt cao mà bác sĩ vẫn cho thuốc có paracetamol thì không được uống mà phải hỏi lại bác sĩ.

- Cần thận trọng khi dùng paracetamol nếu người bệnh có tiền sử suy gan. Tốt nhất là chỉ nên dùng thuốc khi có sự tư vấn của thầy thuốc. Khi đi khám bệnh và được kê đơn có paracetamol, cần thông báo cho bác sĩ biết để được điều chỉnh liều lượng phù hợp.

Lưu ý

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị ngộ độc paracetamol, do đó người lớn không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc. Việc cho trẻ dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, sau khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt có paracetamol, cần đặt trẻ ở nơi thoáng mát, không nên ủ kín (đắp chăn, mặc quá nhiều quần áo…) vì làm như vậy càng gây tăng thân nhiệt của trẻ. Bên cạnh đó, cần theo dõi  xem trẻ có biểu hiện buồn nôn hay nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi hoặc mê sảng, kích động vì đây là những biểu hiện của ngộ độc paracetamol ở trẻ.

Theo Tri Thức Trẻ