Tùng Dương: Đã mệt mà nghe nhạc của tôi thì chỉ có điên thêm!

10:48, 02/12/2009

Tùng Dương là một "chân dung quái" của làng nhạc Việt, thế nhưng vẫn có người nghe, có người say mê anh. Và dù thế nào đi chăng nữa, anh vẫn "sống khỏe" với sự tinh quái của mình.

Tùng Dương là một "chân dung quái" của làng nhạc Việt, thế nhưng vẫn có người nghe, có người say mê anh. Và dù thế nào đi chăng nữa, anh vẫn "sống khỏe" với sự tinh quái của mình.

[links()]

Một số ca khúc được yêu thích qua giọng hát của Tùng Dương:
[audio(8080)]
Mưa bay tháp cổ
[audio(8081)]
Con cò
[audio(8082)]
Độc huyền cầm

Nhiều ca sĩ một năm ra vài cái album. Còn anh vài năm mới ra một cái. Nguyên nhân là ở đâu?

Có lẽ do sự kỹ tính của mình, đồng thời đó cũng là một cách thách thức mình. Đã gọi là sản phẩm mới thì phải có điều mới mẻ, có sự sáng tạo. Ra đĩa liền tù tì thì lấy đâu ra ca khúc mới đảm bảo tính nghệ thuật. Ra đĩa để nhắc nhở “ tôi đang hát’, “tôi chưa chìm” thì buồn cười lắm!

Nghe nói album mới sắp tới của anh sẽ được thực hiện ở tận trời Tây?

Chúng ta có nhiều nhạc sĩ tài năng, nhưng công nghệ âm thanh thì thực sự còn hạn chế. Album mới của Dương theo phong cách electropop, phong cách âm nhạc này ở các nước phát triển hơn hẳn ta. Họ có những kỹ sư âm thanh giỏi và biết được người nghệ sĩ đang cần gì.

Cũng đã không ít ca sĩ trong giới showbiz từng mang các bản phối từ trời Tây về nhưng kết quả đã không thành công. Anh có sợ mình sẽ là người tiếp theo?

Dòng nhạc của Dương khác của họ. Dương sang nước ngoài thực hiện album vì muốn mang đến một sản phẩm cấp tiến. Đây là sản phẩm có sự kết hợp giữa văn hóa Đông - Tây, quan trọng là nó vẫn Việt Nam chứ không bị lai căng, bị Tây quá. Ca khúc là do các nhạc sĩ Lưu Hà An, Nguyễn Xinh Xô, Sa Huỳnh… sáng tác. Các bản phối và thu âm cũng như mix sẽ được thực hiện tại nước ngoài.

Dòng nhạc anh chọn có lượng khán giả khá hạn hẹp. Anh có nghĩ đã đến lúc mở rộng con đường của mình để đến với số đông công chúng hơn?

Cũng có lúc mình hoang mang về hướng đi, nhưng giờ thì con đường đã vạch sẵn rồi, cứ thế mà đi thôi. Dương muốn dung hòa giữa điều mình làm và điều mình thích, chỉ lựa chọn một con đường và sẽ cố gắng nỗ lực để được công chúng đón nhận. Ngay bây giờ thì chưa, nhưng thời gian còn dài mà!

Vậy anh suy nghĩ thế nào về dòng nhạc thị trường?

Mỗi người có một con đường riêng, Dương thấy bản thân dòng nhạc thị trường cũng có những đòi hỏi khá cao. Có những bài hát được yêu thích trong thời gian ngắn, rồi phải thay bài mới, ca sĩ luôn phải có chiêu làm mới và thu hút khán giả. Điều này không hề đơn giản. Để đáp ứng những đòi hỏi của thị trường thì cũng cần có thực lực và trong làng nhạc những ca sĩ ấy cũng có vị trí nhất định.

Anh được nhiều người trong nghề đánh giá là một nghệ sĩ có cá tính. Theo anh cá tính trong đời sống và âm nhạc có đồng nhất không?

Dương tìm sự giải thoát trong âm nhạc, còn cuộc sống thì vẫn lặng lẽ. Bản ngã của mình thể hiện rõ nhất khi mình hát. Khi hát mình muốn đưa cảm xúc đến khán giả, đó là sự chia sẻ của tác giả, sự cộng hưởng của nhạc công và sự thăng hoa của người thể hiện. Đặc biệt nó còn là tiếng nói tâm tư của nhân vật trong ca khúc.

Thật ra, có nhiều người chỉ điên ở vỏ bọc. Họ không đủ sức thăng hoa trong nghệ thuật. Nghệ thuật sẽ tồn tại lâu dài khi nó là thành quả của thực chất. Còn cách bộc lộ nhất thời bằng hành động khác người, phát biểu gây shock, tự làm điên khùng lên thì chỉ giống như con rối!

Có lẽ do "sự cá tính" của anh mà nhiều khi nhạc Tùng Dương trở nên "khó nghe".

Nhạc của Dương không puplic, không thể nhấn nút play ở mọi lúc, mọi nơi. Đi làm cả ngày về, mệt đần người mà mở album  “Những ô màu khối lập phương” thì chỉ thêm điên loạn. Nhạc của Dương đa diện và  gai góc nên phải nghe lúc hợp lý.

Vậy chuyện cơm áo gạo tiền với người nghệ sĩ cá tính có khác gì không? 
 
Có thực mới vực được đạo, ai cũng cần tiền và nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Nghệ sĩ thường chăm chút hình ảnh của mình. Không có tiền, không cần tiền thì làm sao mà mua sắm lắm thế?! Đồng tiền quý và phù hợp với công sức lao động mình bỏ ra. Làm ca sĩ đương đại cũng nghèo lắm! Dương cũng không dư dả gì. Đồng tiền là căn nguyên của mọi thứ nhưng cũng không thể làm thay đổi mọi thứ. Nghệ thuật mới là quan trọng. Có nghệ thuật thực thụ thì mới có tiền, và Dương cần tiền để làm những chương trình đạt chất lượng.

Xin cảm ơn Tùng Dương về cuộc trò chuyện này!

 

Theo Phụ nữ TPHCM