Vào đông, sốt xuất huyết Hà Nội giảm 30% mỗi tuần

10:27, 09/12/2009

Hà Nội – nơi có nhiều biến động nhất so với các tỉnh thành trên toàn quốc trong đợt dịch sốt xuất huyết (SXH) đã giảm 30% số ca mắc mỗi tuần nhưng nguy cơ tử vong thì lại đang ở mức cao.

Hà Nội – nơi có nhiều biến động nhất so với các tỉnh thành trên toàn quốc trong đợt dịch sốt xuất huyết (SXH) đã giảm 30% số ca mắc mỗi tuần nhưng nguy cơ tử vong thì lại đang ở mức cao.

Cuối vụ dịch, nguy cơ tử vong do SXH rất cao!

Thông tin từ TT Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay, tuần qua (từ 27/11 – 3/12 - tuần thứ 48 của dịch sốt xuất huyết - SXH), Hà Nội ghi nhận 236 trường hợp, giảm 30% so với tuần trước. Dự đoán, dịch bệnh sẽ còn giảm nhiều trong những tuần tới.

Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc TT YTDP Hà Nội nhận định, dịch SXH trên địa bàn đang giảm dần đều qua từng tuần, trung bình mỗi tuần giảm 20 – 30%. Cụ thể: Tuần 42 có 496 ca, tuần 43 có 477, tuần 44 có 459, tuần 45 có 444, tuần 46 có 387 trường hợp.

Bệnh nhân SXH nằm tràn lan ngoài hành lang bệnh viện

TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho hay, nguyên nhân là do miền Bắc đã vào đông, thời tiết lạnh, giết chết sự phát triển của virus Dengue gây bệnh. Hơn nữa, thời tiết khô, ít mưa, không thích hợp cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi.

TT YTDP Hà Nội khuyến cáo, mặc dù SXH đang bước dần vào cuối vụ, song theo kinh nghiệm giám sát dịch hàng năm thì số ca tử vong do SXH thường rơi vào giai đoạn cuối vụ dịch, vì thế, người dân không được lơ là với dịch bệnh.

Điển hình, cho đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận 4 ca tử vong do SXH, trong đó có 2 ca tử vong vào tháng 9/2009 và 2 ca tử vong vào tháng 11/2009, tức là vào giai đoạn cuối của vụ dịch.

TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cũng cho hay, từ cuối tháng 10, số bệnh nhân SXH nhập viện có xu hướng giảm rõ rệt nhưng lại xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng.

Nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn so với mọi năm

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm điều trị SXH, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cho biết, đã có gần 10 bệnh nhân đồng nhiễm SXH và cúm A/H1N1 nhập viện, hai bệnh nhân nặng đã tử vong.

Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) thì cho hay, có một bệnh nhân SXH kèm các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng và cúm. Bệnh viện đã điều trị cả cúm, thuốc kháng viêm nhưng các xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân chỉ dương tính với SXH và âm tính với cả cúm và bệnh nhiễm trùng.

Nhiều bác sĩ điều trị SXH tại miền Bắc cho biết, năm nay có nhiều trường hợp bệnh nhân có bệnh cảnh tương tự SXH nhưng thử huyết thanh lại không xác định được là SXH.

Trong khi tuyp virus lưu hành trong cộng đồng chủ yếu là D1 (81%) thì tại Hà Nội, chỉ có 40% bệnh nhân SXH được xác định là nhiễm virus Dengue.

Cục Y tế Dự phòng & Môi trường cho biết, tại Hà Nội đã bắt được một loại muỗi mới, có tên là Aedes albopictus, truyền virus Chikungunya, gây bệnh tương tự SXH. Tuy nhiên, Cục Y tế Dự phòng & Môi trường vẫn chưa khẳng định đây có phải là nguyên nhân gây ra nhiều sự khác biệt trong đợt dịch SXH tại Hà Nội năm nay hay không.

Nếu như các năm trước, dịch SXH tại Hà Nội bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 11 thì năm nay, dịch bùng phát sớm hơn, từ tháng 6 và tăng liên tục trong các tháng 7, 8, 9. Đỉnh dịch rơi vào tuần thứ 35 (từ 27/8 – 3/9) với 891 ca.

[links()]

 Theo Bee