Giá gạo tăng có thực là ảo?
Trong thời gian ngắn vừa qua, giá gạo trên thị trường nội địa đã tăng mạnh. Nhiều nhận định cho rằng giá gạo tăng như vậy chỉ mang tính “ảo”.
Trong thời gian ngắn vừa qua, giá gạo trên thị trường nội địa đã tăng mạnh. Nhiều nhận định cho rằng giá gạo tăng như vậy chỉ mang tính “ảo”.
[links()]
Giá gạo xuất khẩu đang tăng nhanh |
Trong tuần từ ngày 7 đến 13/12, gạo tẻ thường tăng, với mức tăng mạnh nhất ở Kiên Giang (tăng 15,38% lên 7.500 đồng/ki lô gam). Tại các tỉnh khác, giá gạo tẻ thường đang ở mức 9.000 - 11.000 đồng/ki lô gam, tăng khoảng 5% so với tuần trước.
Nhiều người dân có tâm lý lo ngại giá gạo sẽ còn tăng mạnh nên đổ xô đi mua gạo dự trữ. Điều này đã dẫn tới tình trạng giá gạo đã ở mức cao càng tiếp tục tăng cao. Trước tình hình giá gạo tăng đột biến ở nhiều địa phương, các cơ quan chính quyền cũng như một số công ty lương thực đã triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường gạo trong nước.
Trước mức tăng giá mạnh đã có nhiều nhận định cho rằng giá gạo tăng như vậy chỉ mang tính “ảo”, cân đối cung cầu vẫn đảm bảo và một số kẻ đầu cơ lợi dụng tình hình để trục lợi, nên có thể giá gạo sẽ có chiều hướng giảm xuống trở lại mức trước đây.
Tuy nhiên, phân tích sâu hơn có thể nhận thấy mức tăng giá gạo như vừa qua hoàn toàn không phải là không có căn cứ, rất có thể mức giá cao như hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì và còn có thể tăng nữa.
Vị trí đặt quảng cáoVề cung cầu, đúng là không có hiện tượng khan hiếm, mặc dù năm 2009 Việt Nam sẽ đạt kỷ lục về mức xuất khẩu gạo. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1 - 30/11/2009 đạt 5.706.038 tấn.
Theo tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện lượng gạo dự trữ của Việt Nam là hơn 1 triệu tấn. Ngoài ra đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị vào vụ thu hoạch, vì vậy không có chuyện thiếu gạo, an ninh lương thực vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, mức tăng giá gạo trên thị trường nội địa bị đẩy bởi yếu tố giá lúa và giá gạo xuất khẩu. Mặc dù sản xuất lúa phục vụ thị trường gạo nội địa và gạo xuất khẩu nhưng có sự liên kết khá chặt chẽ.
Năm 2008, khi giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, giá lúa và giá gạo nội địa cũng tăng tốc; khi giá gạo xuất khẩu giảm mạnh thì giá lúa giảm theo, và giá gạo nội địa cũng giảm nhưng ở mức độ thấp hơn. Những tháng cuối năm 2009, giá gạo xuất khẩu và giá lúa tăng mạnh tất yếu sẽ thúc đẩy giá gạo nội địa tăng theo.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2009, giá gạo 5% tấm xuất khẩu xung quanh mức 380 đô la/tấn đến 400 đô la/tấn, giá lúa cũng ở mức 3.800 đồng/ki lô gam đến 4.100 đồng/ki lô gam.
Bắt đầu kể từ cuối tháng 10 khi các thông tin về Ấn Độ gặp hạn hán và không thể quay trở lại thị trường gạo toàn cầu, trong khi Thái Lan vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo do mức giá cao cùng với thiên tai ở Philippines đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh.
Bắt đầu từ giữa tháng 11 giá gạo xuất khẩu tăng vọt qua mức 450 đô la /tấn và vượt mức 540 đô la /tấn vào những ngày giữa tháng 12. Giá gạo xuất khẩu tăng đã kéo theo giá lúa tăng mạnh.
Theo bản tin Thị trường lúa gạo của AGROMONITOR, trong tuần từ ngày 7/12 đến 13/12, giá lúa tẻ thường đã tăng lên mức 5.500 - 6.000 đồng/ki lô gam so với mức 5.000 - 5.800 đồng/ki lô gam của tuần trước.
Trong đó, giá lúa tẻ thường tại Kiên Giang có mức tăng mạnh nhất, tăng 10% lên 5.500 đồng/ki lô gam. Tại các địa phương như Cần Thơ và TPHCM, giá lúa tẻ thường tăng khá mạnh lên 5.700 đồng/ki lô gam và 6.000 đồng/ki lô gam (tăng lần lượt 5,56% và 6,19% so với tuần trước).
Nếu lấy thời điểm đầu năm 2009 làm mốc thì giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã tăng 32%, giá lúa tăng 36%, trong khi đó giá gạo nội địa chỉ tăng 14%. Như vậy, nếu so với lúa và gạo xuất khẩu mức tăng giá trong những tuần gần đây của giá gạo nội địa có nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Câu hỏi quan trọng nữa là giá gạo nội địa sẽ ở mức cao và tăng trong bao lâu nữa? AGROMONITOR nhận định giá cả có xu hướng tăng cuối năm, trong đó có gạo và trong thời gian tới, Philippines còn dự kiến tiếp tục mở thầu nên giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục thuận lợi.
Như vậy, có nhiều khả năng giá gạo nội địa sẽ tăng trong ít nhất khoảng một quí nữa, và phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường gạo thế giới. Nếu kịch bản này xảy ra, sự tăng giá gạo rất có thể sẽ tạo nên tăng giá dây chuyền và gây áp lực lên lạm phát.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn