Những “sự cố” trên giường

10:21, 07/12/2009

Phải chia tay cha mẹ, họ hàng, người thân, cô dâu cảm thấy cô đơn, chới với. Ngay đêm tân hôn đã có "sự cố" trên giường...

Phải chia tay cha mẹ, họ hàng, người thân, cô dâu cảm thấy cô đơn, chới với. Ngay đêm tân hôn đã có "sự cố" trên giường...

Mắc kẹt

Cuộc "giao ban" đêm tân hôn không thành, cả hai nhìn nhau ngượng ngập...(Ảnh minh hoạ. Nguồn: 60s.com.vn)
Cuộc "giao ban" đêm tân hôn không thành, cả hai nhìn nhau ngượng ngập...(Ảnh minh hoạ. Nguồn: 60s.com.vn)

Cô dâu con nhà gia giáo, có khi sống khép kín, được dạy “nam nữ thụ thụ bất thân” từ tiệc cưới trở về phòng tân hôn. Phải chia tay cha mẹ, họ hàng, người thân nàng cảm thấy cô đơn, chới với. Chú rể có chút men rượu vội vã đóng cửa phòng, ôm ngay lấy vợ...cô dâu ngỡ ngàng khiếp sợ và như phản xạ tự nhiên, âm đạo co chít lại.

Cuộc "giao ban"  không thành, cả hai nhìn nhau ngượng ngập, bẽ bàng. Hôm sau, nỗi sợ cứ ám ảnh nàng “hình như mình bị bệnh”, hay “của anh” có vấn đề?. Cả hai bùng nhùng trong mớ câu hỏi mà không tìm ra lời giải, chỉ còn cách là… ngủ, chờ hôm sau “tiếp tục xem sao”.

Chấn thương

Chú rể hăm hở quyết “làm bằng được” thì có khác gì cuộc tra tấn. Cô dâu co dúm người lại, sau hiểu ra mình đã là “vợ” thì phải... chịu trận! Đau đớn, trầy xước và nếu không được trang bị kiến thức vệ sinh, “vùng chiến sự” lại không được nghỉ vài bữa thì coi chừng còn bị nhiễm trùng. Các cô dâu chưa từng trải nghiệm thường bị nhiễm trùng tiểu với biểu hiện tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra máu.

Nếu cô dâu đã sẵn sàng nhưng cả hai uống “mật” càng uống càng say theo kiểu “đêm bảy ngày ba, vào ra chưa kể”, “cơ quan chủ quản” của chàng được dịp cho thỏa những ngày trông đợi thì nhiễm trùng tùm lum lan sang láng giềng là đường tiểu.

Một số anh được trời phú cho “của quí” to dài, khác khác thường cũng là nguyên nhân gây chấn thương ở túi cùng đến mức đau đớn, chảy máu, có cặp đêm tân hôn phải đưa nhau đến bệnh viện khâu cầm máu. 

Nhiễm trùng

Những sự cố trên giường nhiều lắm, làm nhiều gia đình đau khổ, cay đắng... (Ảnh minh hoạ).
Những sự cố trên giường nhiều lắm, làm nhiều gia đình đau khổ, cay đắng... (Ảnh minh hoạ).

Trong “khu vực kín” có những con đường. Chúng không thẳng nhưng mặt đường thường trơn tru, nhẵn nhụi. Nơi đây còn có hệ thống “nước” tạo độ trơn láng, có hệ thống vi khuẩn tạo ra độ pH hơi acid như hàng rào bảo vệ. Vệ sinh không tốt thì vùng “chiến sự” sẽ bị vi khuẩn ngoại bang tấn công. Viêm nhiễm khiến đường đi xuất hiện ổ gà, ổ voi lồi lõm.

Nếu vi khuẩn chạy sâu vào tử cung, buồng trứng thì “ngôi nhà của em bé” sẽ không hoàn chỉnh. Vi khuẩn đi xa hơn lên tai vòi trứng làm cho đường đi của “tinh binh” lồi lõm, khó vượt qua.  Giống như đường của hợp tử lăn về tử cung. Chẳng may hợp tử gặp “ổ voi” không vượt qua được đành nằm lại thì đó là thai ngoài tử cung. Khi bào thai lớn chừng 2 tháng rưỡi, tai vòi không đủ sức chứa thì nó vỡ bung ra. Tính mạng bà mẹ trẻ ở trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc nếu không cấp cứu kịp thời.

Nếu hợp tử vẫn về được tử cung nhưng “ngôi nhà” của em bé lồi lõm thì khả năng dính bám sẽ khó khăn. Có “em” không ở được, có “em” ở ít ngày rồi đành chia tay ngôi nhà gây ra sảy thai.

Đây là tai nạn của những cặp “ăn cơm trước kẻng”, mang bầu rồi đi điều hòa, không uống kháng sinh để viêm nhiễm âm ỉ. Có cặp mới cưới đã dính bầu, bàn nhau “giải quyết” để vui vầy ít năm. Khi đủ điều kiện, cứ thoải mái “làm ăn” tích cực lại chả thấy gì. Đi kiểm tra thấy tai vòi trứng bị viêm rồi tắc.

Hệ điều hành có vấn đề

Buồng trứng sản xuất ra hormone để sinh ra chu kỳ kinh nguyệt. Bây giờ “hệ điều hành” vì lý do nào đó bị bọc trong một lớp màng dày như ngục tù (trong bệnh buồng trứng đa nang) thì kinh nguyệt năm thì mười họa hay chăng chớ, lông mọc dài như con trai. Nếu không mổ giải thoát cho các nang trứng có cơ hội phát triển thì hành kinh cứ “cà giựt” như vậy.

Có gia đình thấy vậy cũng mặc kệ, họ nghĩ rằng cứ lấy chồng xong âm dương điều hòa là hết.. Cũng phải đợi vậy, đám cưới xong vài năm sốt ruột mới xin bác sĩ mổ “giải thoát” buồng trứng, khả năng có con 50/50 bởi “bị giam” lâu ngày buồng trứng dễ sinh tật… làm biếng!

Đàn ông cũng có lủng củng riêng. Chẳng may anh nào bị đái tháo đường, cao huyết áp uống thuốc mỗi ngày thì ít nhất 30% bị hội chứng “trên bảo dưới không nghe”. Cấp trên có túm thì hóa ra túm “thằng” không có tên trong danh sách trúng thầu. Bây giờ “súng” cướp cò uống thuốc lúc được lúc không. Vụ “trên bảo dưới không nghe” thị trường có thuốc chữa, vấn đề còn lại là “trên” có muốn “chữa” hay không mà thôi. Mọi chuyện vô sinh thường cứ đổ cho phụ nữ, đi khám cả hai mới biết “đám tinh binh” của chồng có vấn đề. Lúc ấy tìm cách ém nhẹm, âm thầm mà chữa.

Những sự cố trên giường nhiều lắm, kể không xiết, làm nhiều gia đình đau khổ, cay đắng...

Theo BS. Lê Thuý Tươi (SK-ĐS)