Nhiễm độc do hút thuốc lá điện tử
Những người bán thuốc lá điện tử cam đoan dùng thuốc lá điện tử sau hai tháng là bỏ được thuốc lá thật. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, loại thuốc này vẫn độc hại như thuốc lá thật.
Những người bán thuốc lá điện tử cam đoan dùng thuốc lá điện tử sau hai tháng là bỏ được thuốc lá thật. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, loại thuốc này vẫn độc hại như thuốc lá thật.
Thuốc điện tử cũng có khói, mùi thơm, đỏ đầu..., nhìn không khác gì một điếu thuốc thật. Loại thuốc này có xuất xứ từ các nước: Trung Quốc, Israel, New Zealand... Giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một điếu.
Bỏ thuốc lá thật sau hai tháng?
Đến chợ thuốc lá Học Lạc, phường 14, quận 5, TP HCM tìm mua thuốc lá điện tử, chúng tôi được chính một người bán thuốc lá ở đầu đường cảnh báo: “Hít cái hơi điện đó vào người còn độc hơn mấy thứ tui bán đây. Nhưng dạo này chẳng hiểu sao lại có nhiều người hỏi mua thế?!”.
Tại một cửa hàng bán thuốc lá điện tử, chị bán hàng cho biết: giá một điếu thuốc lá điện tử thấp nhất là 250.000 đồng, cao nhất lên đến hơn 1,5 triệu đồng.
Cấu tạo một điếu thuốc lá điện tử. |
Hút thuốc lá điện tử vẫn có thể phả khói như hút thuốc lá thật. |
Nhìn bên ngoài, điếu thuốc này không khác điếu thuốc thật từ kích thước, hình dáng đến màu sắc... Thân điếu thuốc và đầu lọc tách rời nhau, thêm pin và bộ sạc điện. Pin, mạch vi xử lý, có nhiệm vụ đốt nóng, đỏ đầu và bộ phận bơm kích thích hơi, mùi trên đầu lọc. Bộ phận đầu lọc được tách rời. Đây chính là bộ phận chứa các hóa chất nicotine, mùi thơm, khói... tạo cho người hút có cảm giác như thuốc thật.
Tiếp cận một nguồn cung cấp thuốc khác điện tử khác có tên Dũng (số di động 0902243xxx), được biết có hai loại: gói hai điếu, 5 đầu lọc đi kèm, pin mỗi lần sạc hút được từ 5 – 7 giờ, giá 1,5 triệu đồng; gói hai điếu, nhưng không có đầu lọc đi kèm, pin xài 10 - 12 giờ, giá 1,3 triệu đồng.
Đầu lọc là nơi chứa chất nicotine và chất tạo mùi thơm. Mỗi đầu lọc “kéo” được khoảng 300 lần thì hết mùi, tương đương với hút một gói thuốc (20 điếu). “Hàng này sản xuất ở Hong Kong, được xuất đi một số nước châu Âu, nên chất lượng đảm bảo, xài ba năm mà không hỏng”, Dũng cho biết và khẳng định sau hai tháng hút thuốc lá điện tử sẽ bỏ được thuốc lá thật. Theo giải thích của Dũng, phả khói thuốc lá điện tử vào một khăn trắng không để lại vết nhựa ố vàng như khói thuốc lá thật.
Hút “điện” vẫn nghiện nicotine
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết: Về nguyên tắc kỹ thuật, có những thiết bị điện tử cỡ nhỏ là có thể sản xuất được thuốc lá điện tử. Pin chính là nơi cung cấp nguồn điện làm sáng đèn như đang hút và đốt nóng điện trở. Hít hơi nóng này sẽ kích thích bơm hoạt động đẩy lên các hóa chất (nicotine, chất tạo mùi...) dẫn ra khói và hơi nước. Ngoài ra, có thể gắn các vi mạch để điều khiển quá trình này khi hút, ”kéo”’ sẽ nhịp nhàng giống thật hơn.
Còn bác sĩTrương Văn Vĩnh, chuyên khoa II, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Thư ký Hội Lao, Bệnh phổi TP HCM khẳng định: “Đã là nicotine thì kiểu gì cũng gây độc, không thể lý giải đây là nicotine sạch được. Trong khí đó, người dùng cũng không hề biết cụ thể thành phần hóa học của chất tạo mùi của thuốc lá điện tử”.
Theo BS Vĩnh, việc hít khói thuốc còn có thế khiến các phế nang bị vỡ. Hơi nóng (theo như nhà sản xuất công bố là 50 – 600C) còn dẫn đến việc làm khô đường dẫn khí, nguy hại đến đường hô hấp, quá trình bài tiết bụi bẩn... “Nếu một đầu lọc “kéo” được 300 lần, như vậy càng gây nguy hiểm và rất thiếu vệ sinh”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM và ông Nguyễn Trung Bính, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết chỉ mới nghe về thuốc lá điện tử nên chưa thể tiến hành xử lý.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, loại thuốc lá này đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam hơn một năm, song chưa có cơ quan chức năng nào tiến hành kiểm tra, xem xét.