Sự sống sót kỳ diệu của bệnh nhân bị thanh sắt xuyên não

19:36, 05/12/2009

Mặc dù sống sót hi hữu sau khi bị thanh sắt Ø8 dài 35 cm xuyên qua não nhưng bệnh nhân sẽ có nguy cơ thay đổi tính tình, khả năng nói khó, có thể bị hỏng mắt bên trái, chức năng vận động có thể bị ảnh hưởng...

Mặc dù sống sót hi hữu sau khi bị thanh sắt Ø8 dài 35 cm xuyên qua não nhưng bệnh nhân sẽ có nguy cơ thay đổi tính tình, khả năng nói khó, có thể bị hỏng mắt bên trái, chức năng vận động có thể bị ảnh hưởng...[links()]

19h10 ngày 25/11, bệnh nhân Nguyễn Thành Thu, 24 tuổi, ở Thạch Bình, Nho Quan, Thái Bình đã nhập Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng bị kích động, sợ hãi, vật vã, la hét và tri giác rơi vào hôn mê sau khi bị một thanh sắt Ø8 dài 35 cm xuyên từ mắt bên trái sang thái dương bên phải. Thanh sắt nằm trong não 15cm, và lộ 2 đầu ra là mỗi đầu dài 10cm. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức, an thần, đặt nội quản, làm xét nghiệm và chuyển thẳng phòng mổ. Việc gây mê cũng tiến hành ngay tránh tình trạng bệnh nhân kích động ảnh hưởng tới các tế bào não khác.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị kích thích, vật vã, hoảng sợ... 
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị kích thích, vật vã, hoảng sợ... 

BS Nguyễn Duy Tuyển, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, người trực tiếp đứng mổ cho ca tai nạn hi hữu này cho biết, đây là trường hợp rất hãn hữu. Trước đây bệnh viện đã từng gặp bệnh nhân bị kim xuyên vào não, phanh xe đạp bật vào mắt đi sâu vào não... nhưng các bệnh nhân đều chết. Trường hợp này không những xuyên qua não sang tận bên kia nhưng lại được cứu sống là hi hữu mà các bác sĩ chưa gặp bao giờ.

"Khả năng sống sót với những ca này là chưa được thống kê, nhưng trước khi mổ, chúng tôi cũng có giải thích cho người nhà bệnh nhân là nếu thanh sắt vào mạch máu lớn của não thì coi như bệnh nhân chết, vì khi rút thanh sắt ra sẽ gây chảy máu trong não. Chúng tôi không biết đường đi của thanh sắt trong não, không thể chụp phim được, vì sẽ không nhìn thấy gì. Khác với u não, khi chụp lên, mình biết được vị trí khối u trong não. Nhưng với thanh sắt thì không ai có thể biết nó có xuyên qua mạch máu não lớn nào không. Xác định với gia đình bệnh nhân là khả năng sống sót 50% nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ nhiều đến khả năng chết nhiều hơn sống. Lúc đó thật sự căng thẳng, thấy việc làm của mình có thể là vô nghĩa" - BS Tuyển kể lại.

BS Tuyển với tấm phim XQ của não bệnh nhân Thu sau khi được phẫu thuật. Ảnh HL 
BS Tuyển với tấm phim XQ của não bệnh nhân Thu sau khi được phẫu thuật. Ảnh HL 

Sau khi hội chẩn với lãnh đạo khoa, hội chẩn với bác sĩ Viện Mắt trung ương xem xử lý như thế nào nhưng khi biết bệnh nhân chưa bị vỡ nhãn cầu... các bác sĩ tiến hành ca mổ. Do mắt bị đè ép thần kinh lâu, dù không bị vỡ nhãn cầu nhưng cũng sẽ khó hồi phục ngay lúc đó, nên các bác sĩ chưa xử lý vội. Ca mổ kéo dài 2 tiếng đồng hồ, sau khi bác sĩ phải dùng cưa sắt cắt thanh sắt sát với sọ, mở xương sọ xung quanh đường vào và rút thanh sắt ra.

Rất may, thanh sắt không đi qua mạch máu lớn nào của não, nên khi rút ra, chỉ có ít máu ở vùng não tổn thương. Vì thanh sắt nhặt ở ngoài đường, khả năng viêm nhiễm cao nên các bác sĩ đã phải dự phòng bằng cách dùng kháng sinh mạnh, hồi sức tích cực cho bệnh nhân 7 ngày. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục, được chuyển về tuyến dưới để điều trị. Sau 3 tháng, bệnh nhân sẽ được tạo hình vết thủng ở thái dương.

Do tế bào não là tế bào không có khả năng hồi phục nên bất cứ tế bào nào bị tổn thương đều mất chức năng hoạt động. Do vậy, mặc dù được cứu sống, nhưng do thanh sắt đã làm tổn thương não vùng trán nên bệnh nhân Thu sẽ có khả năng thay đổi tính tình, khả năng nói khó, có thể bị hỏng mắt bên trái, chức năng vận động có thể bị ảnh hưởng, bị động kinh...

Tuy nhiên, đến thời điểm ra viện, bệnh nhân Thu đã có thể biết làm theo lệnh, nhưng chức năng nói chưa rõ ràng.

Theo VTC