Thói quen tắm nước lạnh mùa đông: Lợi hay hại?
Với nhiều người, tắm nước lạnh vào mùa đông là thói quen, sở thích tốt cho sức khoẻ. Chúng tôi đã tìm hiểu những thói quen này và cách luyện tập giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Với nhiều người, tắm nước lạnh vào mùa đông là thói quen, sở thích tốt cho sức khoẻ. Chúng tôi đã tìm hiểu những thói quen này và cách luyện tập giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Mổ u vẫn tắm nước lạnh hằng ngày!
Ông Nguyễn Văn Nhật (TP Vinh, Nghệ An) năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Theo ông Nhật, một trong những biện pháp giúp ông có sức khoẻ đó là do thói quen tắm nước lạnh quanh năm.
Vào những ngày mùa đông lạnh giá, nước như muốn đóng băng, tất cả mọi người quanh ông ngại rửa tay chân và mặt bằng cả nước ấm thì ông vẫn chỉ dùng nước lạnh.
Cũng theo ông Nhật, tắm nước lạnh vào mùa đông khiến ông cảm thấy khoẻ và mát, chống cự được với giá lạnh. Khi bị ốm, mọi người khuyên ông nên tắm nước ấm nhưng tắm nước nóng ông lại ốm thêm, đến khi tắm nước lạnh đỡ ốm ngay.
"Lần tôi bị u to ở cổ, đi cắt u về các bác sĩ khuyên nên tắm rửa bằng nước ấm nhưng càng tắm tôi thấy cơ thể càng mệt hơn. Sau đó tôi tắm nước lạnh thì khoẻ hẳn, vết mổ nhanh lành".
Trước khi tắm nước lạnh nên khởi động để tránh lạnh đột ngột. Ảnh: Thu Hằng |
Còn chị Vũ Thu Trang (23 tuổi, Mai Động, Hà Nội) đã duy trì thói quen này nhiều năm nay. Ngày nào mùa đông chị cũng tắm gội bằng nước lạnh từ vòi dẫn từ bể nước lưu của gia đình. Khi tắm nước này, chị thấy mát như đang tắm giữa trưa hè, cơ thể khoẻ, da dẻ mịn màng, mềm mại hơn...
"Tắm nước lạnh nhiều và lâu vào mùa đông nhưng chưa bao giờ tôi bị ốm, cảm vì lạnh cả", chị Trang cho biết.
Những ai không nên tập thói quen này?
Đối với ông Nhật, tắm nước lạnh vào mùa đông lạnh giá là một trong những thói quen đơn giản nhất mà ông có, giúp cơ thể sạch sẽ, thoát khí trong người và quen với lạnh. Khi cơ thể đã điều hoà được thì không còn sợ cảm lạnh nữa.
Cách tắm như sau: Sáng sớm sau khi ngủ dậy, mặc quần áo ấm mỏng và tập luôn bài thể dục vận động cơ thể. Trước khi tắm, ông Nhật thường xoa ngực và mặt vài lần giúp cơ thể ấm lên. "Xoa xong cơ thể là tôi lấy gàu múc nước dội từ đầu xuống chân, tắm như bình thường. Tôi không có cảm giác gió lùa hay lạnh hơn khi chưa tắm mặc dù đang ở ngoài trời", ông Nhật chia sẻ.
Còn chị Trang cho hay, cách tắm của chị rất đơn giản như tắm nước ấm. Cho nước ra chậu, sau đó dội từ dưới chân lên dần trên người. Khi tắm xong lau khô, mặc quần áo ấm rồi mới ra ngoài.
Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế, nhiều người hiện nay có thói quen tắm nước lạnh vào mùa đông, vì thế không phải là hiếm. Tuy nhiên, những người này thường có sức khoẻ tốt, biết cách luyện tập để cân bằng với môi trường nước lạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu luyện tập được tắm nước lạnh vào mùa đông cũng tốt vì nó giúp cơ thể hoà đồng được với cái lạnh, ít bị cảm lạnh, sức đề kháng mạnh lên... Tuy nhiên, dù quen đến đâu trước khi tắm nên tập thể dục, khởi động cơ thể để tránh bị lạnh đột ngột, chống co mạch...
Những người vốn có các bệnh như cao huyết áp, bệnh liên quan đến tim mạch, sức khoẻ yếu hoặc các bệnh mạn tính như viêm phế quản mạn tính, viêm phổi thì không nên tập thói quen này. Bà mẹ mang thai, sau khi sinh dậy hoặc người ốm không nên tắm nước lạnh. Tốt nhất mùa đông nên hoà thêm nước nóng vào để bớt giá lạnh, đảm bảo sức khoẻ.
Nguy hiểm nếu không kiểm soát được sức khoẻ Những người tập được thói quen tắm nước lạnh mùa đông không nhiều lắm. Tắm được nước lạnh mùa đông cần phải tập luyện để thích nghi, có sức khoẻ tốt. Khi đã tắm quen sẽ giúp cơ thể miễn dịch, sức khoẻ dẻo dai... Tuy nhiên, thói quen này rất nguy hiểm nếu không kiểm soát được cơ thể. Vì khi khoẻ tắm sẽ không sao, khi yếu sẽ có nguy cơ tai biến co thắt mạch máu não và tim dẫn đến đột quỵ. ThS.BS Võ Tường Kha (Bệnh viện Y học thể thao Việt Nam) |
Theo Bee.net.vn