Nhạc chế: "Đứa con hoang"

14:36, 20/11/2009

Gần đây, việc cải biên "ăn theo" các ca khúc nổi tiếng với ca từ nhảm nhí, tục tĩu, phản văn hóa được gọi "nhạc chế" đang nở rộ trên mạng internet, gây ô nhiễm môi trường văn hóa. 1001 biến tấu!

Gần đây, việc cải biên "ăn theo" các ca khúc nổi tiếng với ca từ nhảm nhí, tục tĩu, phản văn hóa được gọi "nhạc chế" đang nở rộ trên mạng internet, gây ô nhiễm môi trường văn hóa. 1001 biến tấu!

Đang trên giường nằm với vợ/bạn kêu nhậu là đi/vợ thì có sá chi/ta cứ đi với bạn; Khi có một dĩa mồi/ta thường nhớ về thùng bia/khi có một thùng bia/ta thường nhớ về bạn bè/Rủ nhau đến đây ăn nhậu.../ (chế lời bài hát Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn). Nhạc chế đã xuất hiện từ lâu trong cộng đồng, trên sân khấu hài... nhưng gần đây, cùng  với sự nở rộ của làn sóng nhạc chuông, nhạc chờ, với nhu cầu tìm nhạc "độc", nhạc chế đã ngày phát triển vô tội vạ.

Hiện các trang web nhạc trực tuyến mọc ra như nấm, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia truy cập. Bên cạnh các thể loại nhạc trẻ, nhạc đỏ, rock, rap Việt, nhạc thiếu nhi... còn dành hẳn một mục gọi là "nhạc chế" cũng phong phú không kém, từ nhạc trẻ chế, cải lương, tân cổ giao duyên chế, đến các bài vè, hát "xẩm" do giới đồng tính "sáng tác"...

Những bài nhạc chế này thường lấy giai điệu của những bài hát quen thuộc như: Hoa sứ nhà nàng, Kiếp đỏ đen, Hãy về bên anh, Hứa thật nhiều... chế lời theo ngẫu hứng. Ví dụ như  Hoa sứ nhà nàng (nhạc và lời Hoàng Phương), một bài hát trữ tình đã đi vào lòng người bởi ca từ rất đẹp về tình yêu đã được cải biên lại thành nội dung tục tĩu về một cô nàng bị... hôi nách!

Nhiều trang web tải nhạc chế rầm rộ trên mạng

Tuy nhiên, theo một fan nam hâm mộ nhạc chế, chuyện nhạc chế theo những bài hát đã được nhiều người người biết đã "xưa rồi Diễm". Đang thịnh là những ca khúc "tự biên tự diễn". Đó là các "ca khúc" được đệm bằng đàn piano, guitar... thu âm trực tiếp, sau đó tung lên mạng cho cộng đồng thưởng thức với đủ thể loại: rap, pop, cải lương, thậm chí cả vè, hò, đọc thơ...

Trên trang web âm nhạc ...., một trang web có hàng trăm bài nhạc chế, trong đó có nhiều bài nhạc tự chế mà chỉ nhìn tựa thôi đã thấy ngay sự nhảm nhí, tục tĩu và thiếu văn hóa của người sáng tác. Mấy con chó xã hội, Ma nữ đa tình, Anh đưa em vào phòng, Trèo lên trèo xuống, Rên đi cưng(!?)... Nặng "đô" hơn nữa là các phóng sự thu thanh về tệ nạn ma túy, sida, lô đề, văn hóa ăn chơi, các đoạn vè do các pêđê chửi với những lời lẽ "chợ búa"...

Ngoài các trang web trên, còn rất nhiều trang web cho upload nhạc chế lên như một cách thu hút lượng khán giả link vào trang web của mình. Không chỉ đưa mục nhạc chế cho khách nghe trực tiếp, download về máy, link cho bạn bè... một số trang còn đưa các bản nhạc chế này vào mục đích kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ qua tổng đài nhắn tin có thu phí dịch vụ hẳn hoi, như các bản nhạc chính thống khác. 

Nhạc chế: ai quản lý?

Đa số các trang web âm nhạc có nhạc chế là những trang chưa có thương hiệu nhưng đang ngày càng được nhiều người truy cập và truyền tai nhau, nhất là giới trẻ. Chị Yến, một phụ huynh nhà ở đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, có con trai đang học lớp 5 đã có lần giật mình khi cậu con trai nghêu ngao: anh cho em tiền đô, tiền đô để sắm đồ, tiền đô để đi phố, tiền đô thơm thấy mồ...

Chị gặng hỏi, cậu bé khai là mấy đứa bạn trong lớp cũng hát như vậy nên hát theo. Nhạc sĩ Vũ Đình Ân - hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam cho rằng: một bài hát sáng tác ra ta phải xem mục đích của nó là gì, sáng tác cho tầng lớp nào. Các bản nhạc chế lấy phần nhạc của các nhạc sĩ sau đó chế lại lời khác không xin phép đã là vi phạm quyền tác giả. Phần lời chế ấy mà tục tĩu, nhảm nhí thì càng nghiêm trọng hơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc bức xúc: "Nhạc chế bản thân nó là một loại âm nhạc không chính danh, vì nếu đàng hoàng, chính danh thì phải được cơ quan chức năng cấp phép công bố, phổ biến. Thời gian qua, không riêng gì bản thân tôi có nhiều ca khúc bị "chế lại" như bài Ôi cuộc sống mến thương, Người mẹ... nhiều nhạc sĩ khác có những ca khúc nổi tiếng như: Phạm Tuyên, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn... cũng bị "chế". Tôi nghĩ, những trang web thuộc lĩnh vực truyền thông báo chí hay âm nhạc đều phải có phép mới được hoạt động. Chẳng hiểu sao, các bài hát này lại xuất hiện ở một số trang web "là lạ”, không rõ ai là chủ trang web, không biết có phép không mà ngang nhiên không chỉ cho khách nghe, tải xuống mà còn đưa lên điện thoại làm nhạc chuông, nhạc chờ... thì thật quá đáng". 

Có thể nói, nhạc chế là một thứ nhạc "rác", một loại "con hoang" đang hoành hành trên internet làm "ô nhiễm" môi trường âm nhạc, môi trường văn hóa. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý về văn hóa, thông tin - truyền thông cần lưu tâm đến những trang web "vô danh" này, trả lại môi trường lành mạnh, trong sáng cho âm nhạc. 

 

Theo Phụ nữ TP HCM