Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định không làm chết bệnh nhân

13:51, 09/12/2009

"Trên bệnh án ghi 19 giờ 20 có dấu hiệu sốc, gia đình thì cứ nói rằng từ khoảng 18 giờ bệnh nhân đã sốc, chúng tôi thấy không có căn cứ", Giám đốc BV Xanh Pôn giải thích về ca sốc phản vệ của bệnh nhân Diệp.

"Trên bệnh án ghi 19 giờ 20 có dấu hiệu sốc, gia đình thì cứ nói rằng từ khoảng 18 giờ bệnh nhân đã sốc, chúng tôi thấy không có căn cứ", Giám đốc BV Xanh Pôn giải thích về ca sốc phản vệ của bệnh nhân Diệp.

[links()]

Gia đình bệnh nhân sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại lên cấp cao hơn là Sở Y tế.

Trước đó, ngày 23/11, bức xúc trước cái chết của em trai Nguyễn Hoàng Diệp sau khi bị sốc do truyền tiểu cầu tại Bệnh viện Xanh Pôn, anh Nguyễn Văn Phúc đã gửi đơn khiếu nại bệnh viện lên Sở Y tế Hà Nội. Theo anh, các bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn đã thờ ơ, vô trách nhiệm, không cấp cứu kip thời dù người nhà bệnh nhân liên tục đi gọi bác sĩ và y tá.

Cụ thể, sau khi truyền túi tiểu cầu thứ nhất, Diệp vẫn bình thường. Nhưng khi vừa truyền túi thứ 2 được 5,6 phút thì Diệp có biểu hiện tưng tức, khó chịu ở tay, rồi rét run lên, quằn quại, có lúc người bắn hẳn lên khỏi giường, đau toàn bộ vùng bụng và sau đó đi ngoài liên tục tại giường, nôn ra máu. Khoảng 45 phút sau thì bác sĩ Khoa cùng y tá mới đến tắt ống truyền và cấp cứu (khi đó đã truyền được hơn nửa túi).

Chiều 8/12, Bệnh viện Xanh Pôn đã tổ chức buổi đối thoại giữa người nhà bệnh nhân Diệp và các bác sĩ, y tá có liên quan để giải quyết vấn đề này.

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc bệnh viện, khẳng định: "Không có đủ bằng chứng kết luận bác sĩ cấp cứu chậm, không phát hiện kịp thời hoặc vô trách nhiệm".

Theo bà, những gì các bác sĩ, y tá và gia đình đưa ra đều dựa trên lời nói nên phải căn cứ vào hồ sơ bệnh án. Theo hồ sơ, bác sĩ Trung bàn giao ca với bác sĩ Khoa vào 17 giờ chiều, lúc đó huyết áp bệnh nhân là 100/60, nhiệt độ cơ thể 37,7 độ, không đau ngực, ấn thượng vị thấy đau bụng, không nghi ngờ là sốc. Đến 18 giờ không thấy dấu hiệu sốc. 19 giờ 20 thấy sốc, dừng truyền và cấp cứu bệnh nhân.

"Như vậy rõ ràng là các bác sĩ, y tá có theo dõi tình trạng bệnh nhân. Gia đình nói sốc từ trước chúng tôi thấy không có căn cứ", bà Nhi nói.

Bác sĩ Trung thì giải thích lúc gần 17 giờ, anh có đến khám lại cho bệnh nhân thì thấy có sốt nhẹ, cảm giác hơi gai rét, một lát thì đỡ rét và không có dấu hiệu sốc. Sau đó anh bàn giao với bác sĩ Khoa và đến 17 giờ 20 thì về. "Tôi có gặp người nhà bệnh nhân và nói rằng: ’Hiện tại bệnh nhân chưa có dấu hiệu nguy hiểm, theo dõi tiếp’".

Tuy nhiên, anh khẳng định không hề nói câu "đi ngoài như vậy là tốt" vì lúc bệnh nhân đi ngoài, nôn ra máu là khoảng hơn 19 giờ và anh không có mặt ở đó. Về vấn đề này, anh Phúc, anh trai của bệnh nhân cũng thừa nhận có một sự nhầm lẫn, người nói câu đó không phải là bác sĩ Trung mà là một y tá khác.

Từ sau hơn 17 giờ là đến ca trực của bác sĩ Khoa. Người nhà bệnh nhân Diệp cho biết khoảng 18h30 trở đi, thấy em có biểu hiện bất thường, họ đã liên tục đi tìm y tá và bác sĩ để hỏi về tình trạng của em mình, nhưng không ai thực sự tỏ ra quan tâm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Khoa, không có chuyện người nhà gọi mà bác sĩ không đến. Đến 19 giờ 20, nghe có người nhà gọi, bác sĩ đã đến ngay thì thấy bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài, có dấu hiệu sốc.

Theo bác sĩ Khoa "nếu sốc thực sự xảy ra mà kéo dài đến hàng tiếng thì bệnh nhân đã tử vong vì cấp cứu không kịp, mạch bằng không, huyết áp bằng không. Trong lúc cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, tức ngực, chảy máu, mạch nhanh khó bắt huyết áp 70/40 và đã dừng truyền ngay".

Bà Nhi, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện có thiếu sót là đã không giải thích rõ ràng hơn với bệnh nhân dẫn đến hiểu lầm, nhưng vấn đề điều trị, chỉ định là đúng. Nếu người nhà chưa thỏa mãn với giải thích của bệnh viện có khiếu nại lên cao hơn.

Anh Nguyễn Văn Phúc, anh trai của bệnh nhân cho biết "sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Sở Y tế để làm rõ vụ việc các bác sĩ có tắc trách khi không phát hiện kịp thời em tôi bị sốc hay không. Em trai tôi bị sốc đến gần 45 phút nhưng bệnh viện lại bảo không có chuyện đó".

Trước đó, ngày 27/11 Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội xác minh, xử lý vụ việc và báo cáo về Cục trước ngày 29/11. Đến ngày 3/12, Cục lại gửi một công văn tiếp nhắc lại yêu cầu Sở báo cáo chậm nhất trước ngày 8/12.

Trong khi đó, theo một đại diện của Sở Y tế Hà Nội ngày 1/12, Sở đã báo cáo kết quả làm việc bước đầu, chỉ đạo như thế nào và sẽ làm những gì tiếp theo. Tuy nhiên, đến sáng 9/12, Sở chưa nhận được công văn nhắc lại tiếp theo của Cục.

Theo VnExpress