Dự án di 15.000 dân và TP ven sông Hồng chồng nhau?

09:23, 11/12/2009

HĐND thành phố Hà Nội chính thức biểu quyết thông qua Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội vào chiều 10/12

HĐND thành phố Hà Nội chính thức biểu quyết thông qua Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội vào chiều 10/12, những người dân ven bờ sông Hồng đoạn qua nội thành thêm Hà Nội phấp phỏng không biết mình có nằm trong số  gần 1,5 vạn hộ dân phải di dời hay không.[links()]

DamTrau276
Một góc khu đô thị Đầm Trấu. Ảnh: HNM

“Số phận” của một số khu vực “nóng” từng nhiều lần gây tranh cãi giữa Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam (xây dựng quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng) và đơn vị tư vấn của Hàn Quốc (xây dựng quy hoạch Thành phố ven sông Hồng) như khu đô thị Đầm Trấu, Kim Lan – Văn Đức… lần này cũng được quyết rõ.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi - ông Vũ Hồng Châu, người trực tiếp nghiên cứu, lập dự án quy hoạch này.

Có thể di dời cả những hộ nằm ngoài chỉ giới

Quy hoạch thoát lũ sông Hồng liệu có chồng chéo với Dự án xây dựng Thành phố ven sông Hồng không mà phía Hàn Quốc đang hỗ trợ chúng ta không, thưa ông?

Chúng tôi và phía Hàn Quốc cũng đã ngồi bàn bạc với nhau nhiều lần để thống nhất các phương án cho hợp lý. Việc quy hoạch thoát lũ này không hề chồng chéo với dự án Thành phố ven sông.

Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng là căn cứ xác định chỉ giới khi xây dựng Thành phố ven sông Hồng. Dù có xây dựng gì đi chăng nữa thì cũng không được vượt qua chỉ giới thoát lũ vừa được thông qua.

Con số 14.618 hộ dân phải di dời đã được HĐND thành phố thông qua, là con số cuối cùng phải không, thưa ông?

Số 14.618 hộ dân phải di dời hiện nay là kết quả của một loạt phép tính chặt chẽ nhất nhằm hạn chế tối đa số lượng dân phải di dời. Nhưng đó chỉ là số hộ dân tối thiểu phải di dời để đảm bảo cho việc thoát lũ sông Hồng.

Trước đây chúng tôi từng lên phương án di dời khoảng trên dưới 23.000 hộ nhưng số đó quá lớn, gây xáo trộn xã hội, tạo sức ép quá lớn về giải phóng mặt bằng, tái định cư. 14.618 là con số tối thiểu phải có, còn phía Hà Nội nếu muốn tạo cảnh quan ven sông đẹp hơn thì có thể sẽ di dời thêm nữa. Đó là việc của thành phố.

Như vậy có nghĩa ngay cả những hộ hiện nằm ngoài chỉ giới thoát lũ (cách chỉ giới thoát lũ vài mét) như những hộ dân nằm từ tuyến đường Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng, Phú Lương trở vào phía trong đê chính có thể cũng phải di dời phải không, thưa ông?

Theo chỉ giới thoát lũ mà chúng tôi vạch ra thì những hộ này không phải di dời. Tuy nhiên, chỗ đó sát với chỉ giới hành lang thoát lũ nên có thể vùng đó sẽ được quy hoạch thành khu vực cây xanh để tạo cảnh quan cho TP bên sông hoặc có thể được quy hoạch xây dựng nhà cao tầng để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân ngoài bãi. Quyết định quy hoạch vùng này như thế nào còn tuỳ thuộc vào thành phố.

Dưới góc độ chuyên môn, theo ông vẫn nên giữ nguyên những khu dân cư sát mép chỉ giới như hiện nay, hay quy hoạch lại?

Theo tôi, nếu thành phố có chủ trương quy hoạch vào đến khu vực này cũng là tốt, sẽ tạo nên khung cảnh đẹp hơn cho Thủ đô.

Hình ảnh Thành phố Hà Nội khu vực ven sông Hồng sẽ đỡ nhếch nhác hơn. Còn chỉ giới quy hoạch thoát lũ mà chúng tôi đề ra là điểm chặn tối thiểu, không cho bất kỳ dự án nào lấn ra phía sông.

Kè đê bảo vệ khu đô thị Đầm Trấu, xã Kim Lan – Văn Đức

Khu vực Kim Lan – Văn Đức từng gây tranh cãi nhiều lần giữa các chuyên gia của ta và Hàn Quốc. Vậy cuối cùng, “số phận” của hai xã này được quyết định như thế nào?

Do ở Kim Lan – Văn Đức có làng cổ nên chúng tôi kiên quyết phải bảo vệ khu vực đó. Phương án được quyết định là sẽ kè sông kiên cố, chống bị nước xói lở để bảo vệ làng cổ này. Chỉ có 64 hộ nằm quá sát mép sông sẽ phải di dời vào phía trong làng (tổng số khu vực này có tới 3.180 hộ dân).  

Còn khu đô thị Đầm Trấu trước đây từng có lần bị đề nghị “xóa sổ”, bây giờ được quyết ra sao, thưa ông?

Trong quy hoạch thoát lũ của chúng tôi thì khu đô thị Đầm Trấu không phải di dời.

Nguyễn Bảo - Bee.net.vn