Người đàn bà chăm chim trời giữa Hà Thành

14:53, 13/12/2009

Từng đàn chim trời dày đặc thi nhau xà xuống ngay giữa ngã tư nội đô vốn tấp nập, ồn ã nhất Hà Nội khiến không ít người cảm thấy lạ lẫm, tò mò xen lẫn chút thích thú.

Từng đàn chim trời dày đặc thi nhau xà xuống ngay giữa ngã tư nội đô vốn tấp nập, ồn ã nhất Hà Nội khiến không ít người cảm thấy lạ lẫm, tò mò xen lẫn chút thích thú.

Tiếng lích chích của lũ chim không át nổi âm thanh chát chúa của còi xe, của tiếng động cơ gầm rú. Nhưng chỉ một khoảnh sân gạch ấy cũng đã đủ làm nên một không gian tĩnh lặng, yên ả đến kỳ lạ…

“Bà đỡ” của bầy chim trời

Bà Nguyễn Thị Tim vãi từng nắm thóc cho lũ chim.


Những hàng cây lớn chạy dọc phố Bà Triệu xưa kia không chỉ là nơi cung cấp thức ăn mà còn là chỗ trú chân an toàn cho lũ chim trời trong thành phố. Nhưng độ vài năm lại đây, người dân ở khu phố này cảm nhận được sự vắng bóng một cách nhanh chóng của lũ chim. Không ít lời bàn ra tán vào, nào là thành phố ô nhiễm quá nên lũ chim phải di cư, có người lại cho rằng do đám thanh niên nghịch ngợm đi bắn chúng về đêm... Nhưng tất cả những giả thiết ấy đều tan thành mây khói khi có ai đó chợt bước chân đến ngã tư Bà Triệu – Tô Hiến Thành. Sau khi người đàn bà bán nước Nguyễn Thị Tim ngớt tay rải nắm thóc, khi là nắm gạo trắng thì từng đàn chim lớp lớp thi nhau xà xuống xung quanh gốc cây xà cừ to lớn. Nhằn trấu, mổ gạo xong, chúng lại xòe cánh bay lên đậu chi chít trên những tán cây, mái nhà và cả trên mớ dây điện đen sì.

Ít ai ngờ người đàn bà bán nước bình dị, đã gần ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, lại có tấm lòng nhân ái đến thế. Ngày ngày dọn hàng nước bán nhờ bên tòa nhà hải quan (cũ), sau khi xếp các thứ đồ lỉnh kỉnh lên bệ tường của tòa nhà, bày vài ba chiếc chén, bình trà đã được ủ nóng kỹ... bà bắt đầu lấy chổi quét sạch đám trấu mà lũ chim nhằn ra, rồi vốc nắm thóc mới thả xuống. Đội chiếc nón đã ngả màu, bà thủng thẳng quay về ngồi lẫn trong đống hàng bề bộn, chỉ 2 giây sau, đàn chim trời đã ríu rít khắp gốc cây, thơ thẩn nhằn từng hạt thóc. Khi có tiếng xe máy rồ ga chạy qua hay những đứa trẻ tinh nghịch chạy nô nhau là chúng lại vù cánh bám dày đặc trên gốc cây, cành cây xà cừ to lớn.

Như vòng quay của chiếc bánh xe không ngừng nghỉ, bà Tim cứ vãi thóc như vậy triền miên ngày này qua tháng khác. Nhiều người ở cương vị của bà, hẳn người ta sẽ lo com cóp từng đồng để xây nhà, xây cửa hay dưỡng già. Hoặc chí ít cũng là để có một món kha khá mà sắm sửa cho gia đình, diện cho mình những bộ cánh đẹp đẽ. Nhưng bà Tim thì không. Bà vận những bộ quần áo tuềnh toàng, đến chiếc nón cũng phải dùng cho đến khi rách hẳn không đội nổi nữa mới mua cái mới.
 

Quán hàng nước này là “niêu cơm” của lũ chim trời, mèo hoang.


Có người hàng xóm thương cảm chép miệng bảo: “Khổ, bán mấy chén nước chè khô, dăm ba món hàng lặt vặt được mấy đồng có đáng là bao mà bà ấy cứ đổ vào mua thóc, gạo đãi chim trời cơ chứ!”. Không ít người cũng khuyên can bảo bà hãy tích cóp đi chứ hơi đâu mà đãi chim trời! Nhưng bỏ ngoài tai tất cả những lời ấy, như người chị cả cần mẫn chăm chút cho lũ em thơ, bà vẫn miệt mài chạy theo tiếng gọi líu ríu của bầy chim. Ở hàng nước của bà lúc nào cũng để sẵn chai thóc hoặc chai gạo. Gạo thì mua ở đâu cũng có nhưng để mua được cân thóc cho lũ chim, bà lại phải cất công đến tận cửa hàng chuyên bán thức ăn cho chim mới có. Những vị khách yêu mến chim trời hay lui tới quán nước thường gọi vui bà Tim là “bà đỡ”, người đem công của nhà mình để đỡ đầu cho lũ chim trời.

Mèo hoang cũng…“ké”chân!

Cảm nhận đầu tiên khi gặp bà Tim, ấy là một người đàn bà khái tính. Nhưng dường như bà chỉ khái tính với cuộc đời ồn ã, lắm mưu toan. Khoảng tĩnh lặng của tâm hồn người đàn bà gốc gác kinh thành xưa như đã dành cả vào tình thương cho bầy chim trời nhọc nhằn kiếm ăn trong thành phố hiện đại đầy khói bụi, ồn ào. Ngay cả lũ mèo lạc nhà không tìm được đường về hay những con mèo không bắt nổi chuột bị chủ đuổi ra khỏi nhà... cơ nhỡ thành mèo hoang tìm chỗ trú chân trong góc phố và cả trên nóc những ngôi biệt thự cổ vàng quạch ở phố Bà Triệu, Tô Hiến Thành cũng được bà “cưu mang”.

Những người hàng xóm cạnh quán hàng nước của bà kể: Đâu chỉ có lũ mèo hoang không, có nhiều con còn đẻ ra một đàn mèo con, mẹ con bà ấy lại thay nhau mua thức ăn, chăm cả mẹ lẫn con. Đồ ăn cho mèo đâu chỉ đơn giản là hạt thóc, hạt gạo mà còn phải nấu thành cơm. Có hôm, bà lại đi chợ tìm mua đầu cá về trộn lẫn với cơm rồi mang cho chúng. Cô con gái thì tranh thủ lúc rảnh rỗi vào tận siêu thị mua sẵn bịch thức ăn khô cho mèo. Đến khi lũ mèo con lớn một chút, họ lại cất công bế đi từng nhà mong tìm cho chúng một mái nhà yên ấm, thoát kiếp mèo hoang.

Nhưng khi hỏi đến chuyện tiền mua thóc, gạo, đồ ăn cho mèo thì người đàn bà khái tính lại im lặng. Những người dân sống gần hàng nước của bà thì chép miệng bảo: “Tốn lắm”. Hàng chai (thường để trong vỏ chai trà xanh 0 độ) thóc gạo hàng ngày, lại còn cơm, thức ăn sẵn mua ở siêu thị cho mèo... triền miên như vậy thì cũng tốn một khoản tiền không hề nhỏ. Nhiều người dân xung quanh tòa nhà hải quan không tiếc lời ca ngợi tấm lòng nhân hậu của mẹ con bà hàng nước. Có lẽ sự thán phục ấy cũng khiến khách đến uống chén trà mạn, trò chuyện với bà nhiều hơn. Thi thoảng đám học sinh trường tiểu học Bà Triệu cạnh đó tan giờ lại chạy ra quán nước của bà mua gói bim bim rồi thơ thẩn đứng ngắm đàn chim dập dìu lên xuống. Hàng nước ven đường với dăm ba bao thuốc lá, vài gói hạt dưa buộc sẵn, dăm bảy chai nước ngọt, chiếc bánh mì và ấm trà nóng hôi hổi... không chỉ là miếng cơm manh áo của bà, mà còn là niêu cơm của bầy chim trời, lũ mèo hoang cơ nhỡ may mắn dừng bước lang thang ở đó.   

Quán trà không nghỉ
 

Đàn chim bắt đầu xà xuống.

Hàng nước của bà Nguyễn Thị Tim có ở ngã tư này từ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi ngay cả dân bản xứ khu vực này cũng không nhớ nổi. Hỏi chính bà thì bà cũng chỉ bảo, lâu lắm rồi, hàng chục năm rồi. Ban đầu, chồng bà ngồi sửa xe đạp ở góc ngã tư này rồi tranh thủ mở hàng nước kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau khi chồng mất, bà và các con tiếp tục duy trì hàng nước cho đến tận bây giờ.


Điểm đặc biệt nhất ở quán nước này không chỉ là tấm lòng nhân hậu của mẹ con bà chủ hàng mà còn bởi đây có lẽ là quán nước chè bán 24/24 giờ hiếm hoi của Hà Nội. Ngày nắng đổ lửa cũng như ngày mưa như trút nước, bão bùng ai cũng vội vã về nhà thì bà vẫn căng ô, mặc áo mưa chứ không chịu về. Hà Nội từ lúc tờ mờ sáng cho đến khi chìm trong bóng đêm, từ lúc người xe tấp nập ồn ã trên đường cho đến khi tĩnh lặng chỉ còn lác đác vài xe đi lại thì hàng nước của bà vẫn ở đó. Ngay cả ngày mồng một Tết nguyên đán, trong khi thiên hạ đua nhau đi chơi, thăm hỏi bạn bè họ hàng hoặc ở nhà sum vầy thì quán nước của bà Tim cũng vẫn ở đó.

Hỏi thì bà bảo  “ngồi mãi cũng thành quen” nhưng tận sâu trong đôi mắt đã mờ đục của người đàn bà quá bụa đang bước gần đến tuổi 70, dường như vẫn ẩn giấu một nỗi buồn khôn kể. Cái góc phố ngã tư này quá gắn bó, thân thương, quá nhiều kỷ niệm với bà và người chồng quá cố đã vĩnh viễn rời xa gia đình, để lại một mình bà bươn chải hàng chục năm trời với cuộc đời nuôi ba cô con gái trưởng thành.

 Đám thanh niên Hà Nội là khách quen của bà vẫn thường gọi vui với nhau là quán “Ngày và Đêm”. Hà Nội lên đèn cũng là lúc dòng người trên đường đã vợi bớt, góc ngã tư cây cối xum xuê này trở nên tĩnh lặng hơn, lũ chim trên cây bắt đầu giấc ngủ sâu càng khiến không gian của hàng nước trở nên đặc biệt. Có lẽ, chính sự tĩnh lặng đến kỳ lạ ở ngay giữa trung tâm thành phố, ngay giữa ngã tư vốn ồn ào, lọt thỏm trong không gian các biệt thự cổ mang trên mình vô số câu chuyện nhuốm màu thời gian... đã lôi cuốn không ít nam thanh, nữ tú lặn lội đến tận vỉa hè này để nhâm nhi chén trà nóng và ngắm lũ chim trời nhẩn nha nhằn từng hạt thóc.

 

Theo Gia đình