Chữa tưa lưỡi, lông tơ cho bé bằng mẹo ’rùng rợn’

11:06, 16/12/2009

Để chữa tưa lưỡi cho con, chị Ngọc Lan bắt con nhện đang có chửa đập chết, nướng thành than. Lấy than đó hòa với nước, rơ miệng bé lúc mới sinh.

Để chữa tưa lưỡi cho con, chị Ngọc Lan bắt con nhện đang có chửa đập chết, nướng thành than. Lấy than đó hòa với nước, rơ miệng bé lúc mới sinh.

Cuối tuần, một nhóm bà mẹ ngồi hàn huyên, trao đổi kinh nghiệm nuôi con với nhau, chị Ngọc Phương (quận 9, TP HCM) kể: “Bé nhà mình được hai tháng bị tưa lưỡi và lông tơ khắp lưng. Bà nội bảo phải lấy mật ong rơ lưỡi cho bé, còn lông thì lấy bã trầu các bà hay ăn chà lên sẽ hết. Mình cứ nấn ná mãi vì không biết hiệu quả thực hư thế nào”.

Riêng chị Ngọc Lan (quận Bình Thạnh, TP HCM) lại kể ra một mẹo rất rùng rợn. Đó là bắt con nhện đang có chửa đập chết, nướng thành than. Lấy than đó hòa với nước, rơ miệng cho bé lúc mới sinh. Như vậy có thể phòng ngừa bệnh tưa lưỡi ở con.

Về phần lông tơ hay còn gọi là lông đẹn (lông quắm), người dân cho biết, công thức trị lông đẹn như cách của bà nội chị Phương đưa ra là phổ biến nhất. Ngoài ra, không ít người dùng các loại lá vông, nhọ nồi (cỏ mực), lá đậu ván nấu nước tắm cho bé. Theo lời truyền miệng, chỉ cần tắm 5 - 7 lần, lông sẽ tự rụng.

Chị Thiên Thư (31 tuổi) cho biết, chị từng được một người chỉ cho cách điều trị lông đẹn độc nhất vô nhị: ngâm bún tươi trong nước bốn hoặc năm ngày, sau này lấy nước này tắm cho bé. Chị bảo, nghe qua đã thấy sợ nên không dám thực hiện.

Chị Thắm, đã có hai con, cũng góp một công thức kinh khủng. Chị kể: “Khi mới sinh em bé, mẹ chồng mình chỉ cách lấy phân su của bé rơ lưỡi rồi để cho bé nuốt, đảm bảo không bao giờ bị tưa lưỡi”.

Cần phải hiểu một cách khoa học về tưa lưỡi ở trẻ để có cách điều trị thích hợp. Ảnh: corbis
Cần phải hiểu một cách khoa học về tưa lưỡi ở trẻ để có cách điều trị thích hợp. Ảnh: corbis

Hiểu một cách khoa học

Không chỉ chị Phương mà nhiều bà mẹ khác cũng không biết xử trí thế nào với tình trạng tưa lưỡi và lông đẹn ở bé. Những thông tin sau sẽ giúp bạn hiểu rõ và có cách phòng ngừa, điều trị thích hợp:

Tưa lưỡi ở bé sơ sinh có khá nhiều nguyên nhân. Có thể do bé bị nhiễm nấm candida albicans. Bệnh thường xuất hiện ở bé yếu, các bé sơ sinh thiếu tháng. Có thể khi mang thai, mẹ nhiễm nấm âm đạo nên bé bị bệnh từ khi chào đời.

Nguyên nhân thứ hai là do người lớn không cẩn thận khi chăm sóc bé. Mầm bệnh có thể trú ẩn trong các dụng cụ như núm vú cao su, dụng cụ pha sữa. Hoặc có thể khi bú xong, bé không được vệ sinh miệng thật kỹ, cặn sữa ứ đọng lâu ngày lên men, tạo môi trường cho nấm candida albicas phát triển. Ngoài ra, chứng tưa lưỡi cũng xuất hiện khi bé phải sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trong thời gian dài.

Nhiều bà mẹ dùng mật ong để rơ lưỡi cho bé, nhưng không phải ai cũng biết phương pháp dân gian này chỉ nên sử dụng cho những bé trên một tuổi. Nồng độ đường tự nhiên trong mật ong là chất sát khuẩn tốt nhưng lại không có lợi cho hệ tiêu hóa của các bé. Chưa kể mật ong có độc tố của loại vi khuẩn clostridium botulinum, có thể gây các phản ứng xấu về thần kinh.

Với bé dưới một tuổi, mẹ có thể lấy lá ngót, ngâm thuốc tím sát khuẩn, giã nát vắt lấy nước cốt. Dùng gạc mềm thấm nước này, nhẹ nhàng lau lưỡi cho con mỗi ngày hai lần. Hoặc mẹ cũng có thể mua thuốc rơ lưỡi cho bé tại các nhà thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Quan trọng nhất là phải luôn giữ vệ sinh vú mẹ và dụng cụ ăn của con. Khi ăn xong nên, vệ sinh miệng bé bằng nước muối sinh lý.

Đối với lông đẹn, lớp lông mịn, mềm bao phủ khắp mặt, ngực và thậm chí là cả lưng của bé là hiện tượng bình thường. Lông tơ xuất hiện trong thai kỳ, đến khoảng tuần thứ 36 - 40 của thai kỳ, những lớp lông này thường biến mất.

Nhiều người cho rằng lớp lông tơ này chính là nguyên nhân khiến bé khó chịu, hay vặn mình. Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến khả năng bé bị thiếu canxi và cần cho bé tắm vào buổi sáng sớm để bổ sung vitamin D.

Làn da bé sơ sinh rất mỏng, việc sử dụng khăn hoặc bã trầu chà xát có thể làm da bé bị tổn thương. Ngoài ra trong bã trầu còn có vôi, có thể làm bé bị bỏng nhẹ. Thay vì tìm cách triệt lông, bạn nên cho bé sử dụng vải mềm, thoáng hút ẩm tốt.

Lớp lông này thường rụng khi bé được 4-5 tháng tuổi. Nếu lông tơ tiếp tục mọc nhiều trong thời gian này, bạn cần đưa bé đi khám. Cũng đừng chủ quan nếu phát hiện bé có một túm lông ở xương sống. Đó có thể là dấu hiệu trục trặc ở hệ thần kinh.

Theo Mẹ và bé