Đi tìm bả thuốc thề

14:47, 16/12/2009

Người mua thịt không cho người bán đụng vào món hàng và ngược lại; quán ăn vắng teo vì khách nghi ngờ chủ quán bỏ độc. Cả làng quê càng thêm hoang mang vì tin đồn.

Người mua thịt không cho người bán đụng vào món hàng và ngược lại; quán ăn vắng teo vì khách nghi ngờ chủ quán bỏ độc. Cả làng quê càng thêm hoang mang vì tin đồn.

"Chị ơi, thịt lợn bán thế nào đây", người phụ nữ đỗ xe xuống, vừa nói vừa nhanh tay lật qua lật lại mấy miếng thịt trên phản gỗ. Chủ quán từ trong nhà trông thấy khách lạ, chạy xộc ra chỉ thẳng vào mặt mắng: "Chị mua miếng nào thì chỉ để tôi cắt, ai cho đụng tay vào đấy".

Người phụ nữ dáng vẻ là khách phương xa, tròn mắt ngạc nhiên trước thái độ của chủ hàng. Chị lúng túng giải thích: "Tôi mua thì cũng phải xem, làm gì mà chị la toáng lên vậy".

Cụ già đứng cạnh đó nói thầm vào tai người khách: "Người ta sợ tay bác có bả độc nên không cho động vào". Người khách ngơ ngẩn trước câu nói của cụ già. Chị càng ngạc nhiên hơn khi chủ quán nhất định không bán thịt cho mình nữa.

Tin đồn hãi hùng về "món" thuốc thề độc

Kiểu mua bán kì quặc đó chỉ là một trong vô số những hiện tượng lạ đời đang tồn tại ở xã Vạn Linh và một số xã lân cận của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Cuộc sống của phần đông đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang rất tiêu điều. Khách lạ ngại đến, người dân bản địa cũng ngại đi những vùng khác vì sợ bị nghi ngờ có bùa hạ độc. Tất cả chỉ vì câu chuyện hãi hùng có một không hai ở mảnh đất miền biên giới xa xôi này.

Chuyện kể rằng một bộ phận dân tộc thiểu số ở Chi Lăng đang "gìn giữ" một tín ngưỡng kỳ quặc đến rợn người. Đó chính là bài thuốc thề cùng lời nguyền độc địa: "Mỗi năm phải bỏ thuốc độc giết chết một người, gia đình mình mới yên ấm, ruộng vườn mới cho nhiều thóc ngô, con trâu con bò mới béo tốt, cày ruộng khỏe. Nếu không làm theo lời nguyền, gia đình sẽ gặp chuyện xui xẻo, có khi chính mình mất mạng".

Trước đây, những bài thuốc thề như vậy khiến không ít người hoang mang. Thế nhưng, kể từ khi chính quyền địa phương và các cán bộ tư tưởng vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rằng đó chỉ là những lời mê tín dị đoan, những bài thuốc thề quái gở như vậy từ lâu đã gần như bị xóa sổ.

Tuy nhiên, không hiểu tại sao, thời gian gần đây, nó hiện hữu trở lại như một sự ám ảnh trong đời sống nhiều gia đình, nhất là những người "dưới xuôi" mới lên lập nghiệp.

Theo lời kể của nhiều người, bả độc là một bài thuốc bí truyền được điều chế từ rễ cây rừng. Nó độc đến mức, chỉ cần cho một chút vào kẽ móng tay, gảy vào bát canh măng ở đám cỗ là có thể giết người hàng loạt. Chỉ có người điều chế bả mới có thể làm ra thuốc giải độc.

Đời sống tê liệt vì tin đồn độc hại

Tin đồn về món bả độc giết người ấy truyền đi rồi lan rộng với một tốc độ chóng mặt. Người ta nghi ngờ rồi cảnh giác nhau ở mức độ cao nhất. Ngay cả anh em trong nhà cũng không tin nhau.

Chợ Vạn Linh là khu chợ lớn, nơi để bà con các xã lân cận đến mua bán. Họp chợ năm ngày một phiên nên rất đông, rợp sắc xanh đỏ của trang phục người Tày. Thế nhưng, từ khi có tin đồn bả độc, người dân không xuống chợ mua bán thức ăn nữa. Phiên chợ cứ vắng dần, đến giờ chỉ lèo tèo vài lượt khách mua bán.

Cả một dãy hàng bán nước giải khát nhộn nhịp trước cổng chợ Vạn Linh đành đóng cửa vì ế khách.

Chị Lý Thị Hoa, chủ quán nước, ngồi ngáp dài trước cửa quán kể: "Em ky cóp mãi mới được tí vốn mở quán nước này. Tiền xây nhà, bàn ghế, biển hiệu tính sơ cũng mấy chục triệu đồng. Thế mà bây giờ cả ngày không có khách nào".

Để tránh những nghi ngờ về bả độc, bác Vừ Thị Liên ở xóm 4, xã Vạn Linh, bán thịt, đành phải chế ra một khung màn rồi đậy lên phản thịt của mình. Khách đến mua chỉ miếng nào, bác cắt miếng đó chứ không được tự tay chọn.

Thế nhưng, mấy người trong bản xuống mua thịt cứ nhất định tự tay cắt lấy thịt, bỏ lên cân. Họ sợ chính tay bác Liên có độc!

Quán thịt chó của anh Đào Duy Nhất ở xóm Phố Cũ, Vạn Linh, trước đây đông khách nhất vùng. Ngày bình thường, anh cũng làm thịt bốn con chó, khách đến quán nhộn nhịp. Vậy nhưng, kể từ khi xuất hiện tin đồn này, khách vắng dần. Đến giờ, anh đành phải tháo biển, dẹp quán.

Cứ có người lạ xuất hiện tại đây, người ta lại dò xét, săm soi. Khi chúng tôi hỏi đường không ai trả lời, họ chỉ lén nhìn rồi bỏ đi.

Mọi hoạt động kinh tế, buôn bán của người dân ở đây dường như tế liệt. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của tin đồn này đến đời sống tinh thần mới thực sự phức tạp. Từ người già đến trẻ nhỏ, bản trên đến xóm dưới đều bán tín bán nghi về tìn đồn bả độc.

Hiện nay, những đám ma, đám cưới ở vùng này trở thành một trò cười cho khách thập phương. Họ đến đám cưới, chỉ mừng tiền rồi về, không dám ăn uống gì vì sợ bỏ độc. Nể chủ nhà lắm, người ta mới ngồi vào mâm nhưng chờ chủ nhà quay đi, họ rút mì tôm mang sẵn ra ăn chống đói chứ không dám đụng vào thức ăn.

Cỗ bàn thừa mứa ê hề cuối cùng cũng chỉ có thể làm thức ăn cho lợn, gà. Mất tiền nhưng tình cảm, lòng tin xóm giềng suốt mấy chục năm qua bây giờ đều tan biến.

Tìm về nguồn gốc của tin đồn

Dựa vào những manh mối do một số người dân cung cấp, chúng tôi lên kế hoạch quyết tâm tìm ra sự thật đằng sau những tin đồn gây hoang mang dư luận, làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong vùng.

Nhờ anh Công, một người dân ở đây giới thiệu, chúng tôi đã tiếp cận được Nguyễn Văn Thành, một trong tám thanh niên bị nghi trúng độc bả thề. Theo lời đồn, Thành cùng với bảy thanh niên khác trong vùng đi ăn uống và bị bỏ độc. Thành về nhà bị nôn và phải chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, để điều trị.

Thành kể: "Đúng là em về nhà bị nôn, nhưng do say rượu chứ không phải vì trúng độc. Sáng hôm sau, em vẫn đi làm bình thường chứ không phải đi viện như người ta đồn đại".

Ông Ma Văn Thoa, Chủ tịch Ủy bạn Nhân dân xã Vạn Linh, khẳng định: "Những thông tin liên quan đến chuyện bỏ độc giết người trên địa bàn xã Vạn Linh và một số xã lân cận trong huyện Chi Lăng là có thật. Thế nhưng, đó mới chỉ là tin đồn, chúng tôi chưa thấy có trường hợp nào chết vì những bả độc như mọi người truyền tai nhau".

Về nguồn gốc của tin đồn, có rất nhiều giả thuyết đưa ra nhưng sự thật của câu chuyện hãi hùng này chưa ai có thể chắc chắn được.

Ông Thoa kể, ở đám cỗ cưới con trai ông Hồ Văn Hùng tại thôn Lũng Na, người ta giật mình khi cốc rượu trên mâm chuyển sang thâm đen.

Thông tin phát ra, khách khứa lũ lượt đứng dậy bỏ về đem theo sự hồ nghi với chủ nhà. Về sau hỏi rõ mới biết, có ai đó nghịch dại đã pha lẫn nước chè vào rượu. Phản ứng hóa học đã làm rượu biến đổi màu sắc. Ông Hùng giải thích thế nào cũng không được và đương nhiên ông trở thành nghi phạm "ma độc" số một. Đến nay, cả nhà họ Hồ ở thôn Lũng Na vẫn đang bị cạch mặt, chửi rủa và cô lập.

Truyền thuyết hãi hùng về bả thuốc thề vốn đã mang nhiều yếu tố huyền bí, nay gặp những hiện tượng bất thường người ta lập tức gán ghép cho bả thề gây họa.

Trường hợp của nạn nhân Tô Vân Lâm, ở thôn Lũng Tàn, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, uống rượu say bị cảm và qua đời. Cái chết đột ngột của anh Lâm, cộng thêm tâm lý hoang mang sẵn có, nhiều người đồn thổi anh là một trong những nạn nhân của bả độc.

Tai hại hơn nữa, người ta còn nghi ngờ chính những người thân thuộc nhất. Sáu người con của bà Vương Thị Giàu ở thôn Xã Đán, Vạn Linh, chẳng hiểu nguyên nhân do đâu đã nhất loạt nghi mẹ mình đang tìm cách bỏ độc giết chết cả nhà.

Bà Giàu đã 60 tuổi, quê gốc ở Hải Dương, theo chồng lên đây làm dâu đã mấy chục năm nay. Chồng mất sớm, bà một mình tần tảo làm lụng nuôi sáu người con trường thành.

Thời gian gần đây, bà về quê có việc ở dưới Hải Dương. Khi trở về nhà, chẳng hiểu ai đồn đại bà chính là một con ma độc, đang giấu rất nhiều bả độc trong người.

Thông tin lan ra, đến giờ không còn ai dám bén mảng quanh nhà bà nữa. Mấy người con quẫn trí, không tin mẹ và nhất loạt đòi đuổi bà ra khỏi nhà.

Cần phải nhanh chóng ngăn chặn

Có thể thấy tin đồn này đang ngấm ngầm phá hoại cuộc sống yên bình nơi miền quên này. Sức tàn phá của nó có ảnh hưởng sâu rộng tới từng gia đình, cá nhân.

Các cấp chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra, tìm ra sự thật của tin đồn, kịp thời ngăn chặn hậu quả khi nó còn chưa đi quá xa.

Điều cần thiết hơn cả là thông báo, tuyên truyền kịp thời tới người dân, giúp họ ổn định tinh thần, yên tâm làm việc, sinh hoạt.
 

Ông Nguyễn Xuân Tới, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, cho biết: "Hiện tại trên địa bàn xã Vạn Linh chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Nùng sinh sống, người Kinh chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo ghi nhận của chính quyền xã Vạn Linh, đầu năm 2003 đã xuất hiện những tờ rơi được giải tại các tụ điểm của xã với nội dung đe dọa và rao bán 25 triệu đồng một bả độc giết người. Thực hư thế nào bản thân xã cũng đang tích cực tìm hiểu, điều tra. Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất mong những cơ quan chức năng vào cuộc để cuộc sống của bà con nơi đây trở lại bình thường".

 
Theo Tiếp Thị Gia Đình