Khu dân cư "không số" ở thủ đô

14:54, 13/12/2009

Ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội có một tổ dân phố hình thành mấy chục năm nay nhưng đến tận bây giờ vẫn không có số nhà. Hàng chục ngôi nhà bao nhiêu năm nay sống dở khóc dở cười với cảnh “không tên tuổi trong bản đồ hành chính”...

Ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội có một tổ dân phố hình thành mấy chục năm nay nhưng đến tận bây giờ vẫn không có số nhà. Hàng chục ngôi nhà bao nhiêu năm nay sống dở khóc dở cười với cảnh “không tên tuổi trong bản đồ hành chính”, vẫn mong ngóng một ngày gần nhất được gắn số nhà.

 
Thực tế mong mỏi nghe chừng đơn giản đó vẫn chưa có lối ra.
 
Ba không!
 
Khu dân cư sống trong cảnh nhà “không số” nằm ở tổ 23A, phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội). Con đường dẫn vào tổ dân phố do lâu ngày không cải tạo nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chắn ngay trước đó là một bãi rác khổng lồ mà theo phản ánh của người dân địa phương đã có tuổi thọ “gần 20 năm”.
 
Đi một vòng quanh khu vực này, bên cạnh những ngôi nhà kiên cố được xây dựng đàng hoàng và đã định cư lâu năm, chúng tôi gặp không ít ngôi nhà xiêu vẹo dựng tạm bợ với những hàng gạch thô không gia trát và vài tấm bạt cũ đã ngả màu trắng bợt mọc lên giữa những bãi đất trống. Tất cả có cùng địa chỉ- tổ 23A và... chấm hết!.
 

Đường vào tổ 23A là…bãi rác khổng lồ.

 
Ông Nguyễn Văn Tâm, người dân ở đây cho biết: “Có một số người nói rằng chúng tôi đã sống 19 năm trời trong cảnh “nhà không số”, nhưng sự thật là chưa bao giờ khu phố này có số nhà. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) mảnh đất này đã có người sinh sống. Chỉ có điều lúc đó còn thưa thớt chứ không chen chúc, tạm bợ và lộn xộn như hôm nay. Khu dân cư này tồn tại đã lâu mà vẫn không có số nhà”.
 
Ngoài chuyện hàng ngày phải chịu đựng mùi hôi thối ngày một khó chịu từ hồ Ba Mẫu, người dân tổ 23A, bao năm qua còn phải “cõng” thêm một núi rác thải ngay sát sườn. “Có hôm, ai đó đốt rác giữa đêm khiến cả xóm không ngủ được. Sáng ra hùa nhau dội nước dập được lửa thì mùi khét của nhựa, nilon... khiến ai cũng lợm cả cổ.  Cảnh tạm bợ chưa biết lúc nào được giải quyết. Muốn bán đất, bán nhà đi chỗ khác không được vì chưa có sổ đỏ, ở lại muốn xây thêm cũng không xin được giấy phép xây dựng vì trong vùng giải tỏa. Đi cũng dở, ở không xong”, ông Tâm than thở.
 
Có lẽ việc cấp số nhà cho các hộ dân tổ 23A không gặp quá nhiều khó khăn nếu không có dự án cải tạo hồ Ba Mẫu “nung nấu” suốt gần 2 thập kỷ qua. Sự chậm chạm của dự án này đồng nghĩa với việc “diện tích” của tổ dân cư này ngày một phình ra, sự việc càng ngày càng khó giải quyết. Ông Tâm cho biết, phía tiếp giáp với mặt hồ trước đây chỉ là vườn cây. Do dự án bị “treo” nên người dân tự do cơi nới lấn chiếm đất.
 

Dù là nhà lâu năm…

 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết: “ Tổ 23A có diện tích chỉ 0,44 km2 và mang trong mình đến 7 dự án quy hoạch của thành phố. Dự án có “tuổi thọ cao nhất” tồn tại đã 19 năm. Hiện tại, người dân ở đây đang phải chịu cảnh 3 không: Không có số nhà, không có giấy chứng nhận sử dụng đất, không có giấy phép xây dựng”.
 
Đề cập đến vấn đề quản lý khu dân cư này, ông Hoàng chỉ lắc đầu và nói ví von: “Việc quản lý dân không có số nhà giống như sinh con ra mà không có tên tuổi, không giấy khai sinh ”.
 
Muốn biết nhà tìm tổ trưởng
 
Bà Nguyễn Thị Liên – Tổ trưởng tổ dân phố 23A phường Phương Liên cho biết, trước đây có đến 100 hộ gia đình không có số nhà, thời gian qua nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương nên một nửa số đó đã được đánh số nhà, nửa còn lại vẫn mòn mỏi chờ dự án hoàn thành.
 
Thở dài chỉ về phía hồ Ba Mẫu trước nhà, bà Liên tâm sự: “19 năm trước, dự án cải tạo hồ Ba Mẫu làm bà con nơi này ai cũng khấn khởi. Nhưng chẳng hiểu sao, đang làm dở thì dự án bỗng ngừng giữa chừng, ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần trọn 2 thập kỷ. Để lại cho tổ dân phố chúng tôi cảnh ngập ngụa trong rác thải và tình trạng nhà cửa tạm bợ”.
 
Nghe chuyện tìm nhà ở khu phố này mà lắm lúc cười ra nước mắt, bà Liên nhớ lại: “ Do không có số nhà cho nên ai đó muốn tìm được nhà trong tổ dân phố này mà không có người dẫn đường thì chịu chết. Người lạ tìm nhà ở đây y như giải bài toán về ma trận”.
 
Trò chuyện với bà tổ trưởng tổ dân phố, chúng tôi được nghe những câu chuyện thật như đùa. Bà kể, cứ đến mùa thi đại học là cả khu lại “nháo nhác” cả lên. Chuyện giấy báo dự thi không thất lạc mới là chuyện lạ. Nhiều nhà chờ mãi không được, sốt ruột quá lên tận trường hỏi thì mới hay nhà trường đã gửi giấy báo thi tới 2 lần nhưng đều bị trả lại vì không tìm được địa chỉ.
 
Bà Liên kể: Không ít lần người ở quê ra tìm nhà người thân. Quanh co trong ngõ tới tận tối sẩm vẫn không sao tìm được. Rồi tất cả cũng phải tìm đến tổ trưởng tổ dân phố cậy nhờ. Ở tổ dân phố này, đường vào từng nhà chỉ có bà Liên là tỏ tường. “Bởi thế, thành ra tôi kiêm luôn công việc chỉ nhà của tổ dân phố. Từ chị thu tiền điện thoại tới anh thu tiền nước hay khách ở nơi xa đến, tất tật tôi đều phải chỉ đường giúp. Có người chỉ rồi vẫn không sao tìm được nhà, tôi lại phải dắt người ta tới tận nơi”, bà Liên cười tếu táo.
 

…hay nhà tạm bợ đều không có số nhà.

 
Mòn mỏi chờ
 
Hiện nay, ngoài 50 hộ chưa có số nhà, tại khu vực nói trên còn phát sinh rất nhiều nhà tạm. Bà Liên cho biết, trước kia, đây đều là những bãi đất hoang chờ cải tạo thành dự án công viên quanh hồ Ba Mẫu. Tuy nhiên, do thời gian “treo” quá lâu, nhiều người dân tứ xứ đã liều mình “nhảy dù” dựng nhà ở tạm. Tuy gọi là nhà tạm nhưng tính đến nay, những ngôi nhà như thế cũng đã tồn tại được gần chục năm rồi. Những bức tường tạm bợ ấy, có cảm giác là nó có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào.
 
“Những ngày nắng thì ruồi nhặng, ngày mưa thì nước từ bãi rác dềnh lên rất mất vệ sinh. Biết là thế nhưng việc cải tạo cảnh quan môi trường, đánh số nhà, cấp sổ đỏ... là những việc chúng tôi không thể làm được”, bà Liên nói.
 
Theo quan sát của chúng tôi, tổ 23A hiện nay đã phình to ra hơn so với quy mô 50 hộ ban đầu như một số nhân chứng ở đây cho biết.  Xuất hiện bên cạnh hơn 100 ngôi nhà cũ là một loạt cửa hàng vật liệu xây dựng, thu mua sắt vụn... được rào chắn tạm bợ bằng tôn, sắt đã rỉ lâu ngày.
 

Cảnh tạm bợ dễ nhận thấy ở cạnh hồ Ba Mẫu.

 
Về hướng giải quyết những vấn đề của người dân ở đây, chủ tịch UBND phường Phương Liên, ông Bùi Minh Hoàng cũng tỏ ra không mấy lạc quan. Được biết dự án cải tạo hồ Ba Mẫu đã qua 6 lần sửa bản vẽ thiết kế và 4 lần thay đổi chủ đầu tư. Cán bộ địa chính của phường hàng ngày phải xử lý một loạt giấy tờ chuyển nhượng viết bằng tay. “Chúng tôi cũng đã gửi nhiều công văn lên cấp trên. Xin thành phố giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại ở tổ dân cư này để người dân được sớm ổn định cuộc sống. Qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, chúng tôi được biết là họ sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”, ông Hoàng nói.
 
Đó cũng chính là mong muốn đơn giản hàng chục năm nay nhưng khó thực hiện của hàng trăm cư dân sống tại tổ dân phố 23A phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội.

 

Theo Gia đình