"Kịch bản ảnh cưới" thời @

09:24, 11/12/2009

10 giờ trưa, cô dâu lững thững đi bộ từ thôn Đình Thôn (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) ra điểm xe buýt, chú rể mặc comple, thắt cà vạt, đi xe đạp đuổi theo. Ai nấy đều ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì.

10 giờ trưa, cô dâu lững thững đi bộ từ thôn Đình Thôn (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) ra điểm xe buýt, chú rể mặc comple, thắt cà vạt, đi xe đạp đuổi theo. Ai nấy đều ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì.

Họ đang dựng lại kịch bản - nơi họ gặp nhau lần đầu...
 
Đám cưới thời đại số

Bó hẹp ở không gian tĩnh lặng như studio, hay nhàm chán với buổi dã ngoại, làm dáng đơn điệu bên vườn hoa công viên, gốc cây, hồ nước... nhiều bạn trẻ đã chọn kiểu độc đáo, “kể chuyện bằng ảnh”.

Đau chưa, tặng anh một cái véo tai
Đau chưa, tặng anh một cái véo tai

“Cuộc sống luôn bận rộn, sau khi kết hôn còn nhiều thứ phải lo, không có thời gian để có nhiều phút lãng mạn, ôn lại kỷ niệm xưa. Nay mỗi lần mở cuốn album cưới ra, chúng tôi sẽ có nhiều chuyện để nói, để nhớ hơn. Đây là cách “kể chuyện” của thời đại số mà”, chú rể Mạnh Trí nói với tôi xong rồi ghé vào cô dâu hôn một chiếc “rõ kêu”, khiến tôi cũng thấy ngượng ngùng!

Một tình yêu lãng mạn, nơi hẹn hò ngày xưa giờ không phải là dĩ vãng xa xưa nữa, nó đã được tái hiện trong một cuốn “love story”, một kịch bản tự họ viết lên và chỉ có hai nhân vật chính đó là cô dâu và chú rể. Những tấm ảnh mang đến cảm xúc thật kỳ diệu, thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo của hai nhân vật.

Tìm lại lần đầu…

“Anh ơi cho em đi nhờ ra bến xe buýt, em muộn học rồi...” - Minh Nguyệt, mặc chiếc váy đang gọi Mạnh Trí xin đi nhờ... Đây là hoạt cảnh họ gặp nhau lần đầu tiên, sau 3 năm làm quen, yêu nhau và hôm nay họ quyết định “kết tóc xe tơ”. “Bức ảnh này sẽ ghi lại thời điểm bọn mình quen nhau và cũng là câu chuyện sau này kể cho con cái”, cô dâu Minh Nguyệt chia sẻ.

Ngoài trời những cơn gió đông se lạnh vẫn thổi, song dường như nó không cản trở được những phút thăng hoa, những phút viên mãn của đôi bạn trẻ. Cảnh chụp hẹn hò đầu tiên đã kết thúc trong tiếng cười “khanh khách” của cô dâu.

Tại Vườn Bách Thảo, cô dâu Thu Trang đang ngất ngây với bản nhạc trữ tình mà chàng trai dạo, người sẽ làm chồng cô vài ngày nữa. Chú rể Quang Huy cùng chiếc đàn ghi ta như thả tâm hồn mình vào bài hát “Chân tình”. Đây là bản nhạc đầu tiên mà một cô nữ sinh trường nhiếp ảnh đang đi tìm đề tài cho bài thực hành bắt gặp anh ngồi dạo nhạc. Chính bài hát, khung cảnh này đã đưa hai người quen nhau và có ngày “định mệnh” này.

“Anh ơi, nhiều bươm bướm quá!”

Chị Trang hồn nhiên vừa đi, vừa véo tai “ông xã”, vừa nói “tôi không thích sự gượng ép, phô diễn một cách sắp xếp của nhiếp ảnh. Mọi thứ phải là của mình, không ai giống ai. Mỗi người có một tâm tư tình cảm, một cách thể hiện tình yêu, một kịch bản mà mình phải tự sáng tạo và là nhân vật chính”.

Chú rể Huy thì nhăn mặt kêu cái véo tai đau vẫn nói theo: “Có ảnh để sau này cãi nhau, lôi ra sẽ hết giận”.

 

Ngồi nghỉ một lát để đợi ô tô tới đưa họ đi theo lịch trình, chị Trang vẫn đang hý hoáy chọn cho mình chiếc áo “đuôi tôm” cổ xưa, còn người trang điểm thì đang lau bớt phấn trên khuôn mặt chị và tết tóc hai bên cho hợp với khung cảnh. Chú rể bỏ chiếc áo comple, cà vạt thay bằng chiếc quần thụng. Tôi cũng ngạc nhiên không biết họ kiếm đâu ra những bộ quần áo “xa xưa” một thời này.

Chuyến xe quay ngược lại miền quê, nơi có bãi lúa, ruộng ngô, hoá ra họ tới đây để ghi lại cảnh một lần về quê chị, được đứa em cho đi thả trâu. Góc cảnh giản đơn, một bãi cỏ rộng, đâu đó chỉ có vài tiếng trẻ chăn trâu í ới gọi nhau, nhưng khuôn hình đẹp đến không ngờ.

Mọi thứ diễn ra đều tự nhiên, lay động tận đáy tâm hồn của cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. “Đây là kỷ niệm đi chơi thú vị đầu tiên của chúng tôi khi yêu nhau. Tôi muốn được sống mãi khoảng thời gian yêu đương nồng nàn này...”, chị Trang vừa nói với tôi, vội hét lên gọi anh Huy: “Anh ơi nhiều bươm bướm quá!”.

Đang lan man suy nghĩ một điều gì của khoảnh khắc xưa, tôi thầm ước giá như ngày trước mình cũng có điều kiện và cách suy nghĩ mới mẻ như họ thì có lẽ cũng có một “kịch bản” để đời của riêng hai đứa. Chợt ngoài kia, không khí náo động của cô dâu chú rể đang thoả sức vui đùa đã đánh thức tôi trở về với hiện tại.

Tái hiện phút hờn giận

“Cái đẹp của những bức ảnh không hoàn toàn ở người chụp, ở những bộ quần áo hay những gương mặt đẹp, mà là cái hồn của nhân vật, sự tự nhiên, phút ngẫu hứng và những kỷ niệm họ lưu lại mãi mãi.

Những bức ảnh đó phải có “chuyện”, mà chuyện đó không ai khác chính là cô dâu và chú rể lên “kịch bản” và “nhân vật chính” cũng là họ luôn. Diễn xuất đạt hay không phụ thuộc vào sự tự nhiên và tình yêu của họ dành cho nhau.

Tôi cố để họ thả sức sống lại với kỷ niệm xưa, kể cả những phút hờn giận nhau hay tình tứ, để cố “rình bắt” khoảnh khắc ấy - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Hạo, ảnh viện áo cưới Viola chia sẻ.

Tuy nhiên để “tái hiện” một câu chuyện tình yêu qua ảnh không đơn giản, phải có sự lãng mạn và cảm xúc phải thăng hoa. Chi phí cho một cuốn album này dao động từ 7 - 10 triệu đồng, tuỳ thuộc vào khoảng cách mà cô dâu, chú rể yêu cầu.

“Có nhiều đôi chúng tôi phải đến tận người dân thuê cảnh, nào chậu, nào cây cảnh, bếp than... Vì ngày trước họ ở trọ, bây giờ cưới có điều kiện quay về xóm trọ cũ chụp ảnh. Những lần dã ngoại như thế này ai nấy đều mệt nhưng vui lắm”, vừa chạy theo cô dâu, anh Hạo vẫn với lời theo tôi.

Các đôi uyên ương đều có cảm giác chung, đó là hao tốn vật chất và thời gian một chút, song lại vui và hạnh phúc. Không biết cuộc sống hôn nhân sau này có được viên mãn, theo ý tưởng tượng của mỗi người hay không, nhưng điều quan trọng hơn là những gì ngọt ngào, chân thật và say mê nhất được tôn vinh và lưu giữ.

Phạm Hằng - Bee.net.vn