“Mượn đầu heo”... đào tạo thiếu nữ !

11:47, 23/11/2009

Chỉ là một cơ sở ngoại ngữ nhưng Bước Chân Việt đã khoác áo “trung tâm văn hóa – ngôn ngữ” để phối hợp với một trung tâm của Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức chương trình đào tạo hoành tráng dành cho các thiếu nữ.

Chỉ là một cơ sở ngoại ngữ nhưng Bước Chân Việt đã khoác áo “trung tâm văn hóa – ngôn ngữ” để phối hợp với một trung tâm của Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức chương trình đào tạo hoành tráng dành cho các thiếu nữ.

“Đây là chương trình đào tạo, hỗ trợ tổng hợp theo phương pháp thực nghiệm, cung cấp các kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhằm giúp các thiếu nữ vừa nâng cao được trình độ học thức vừa khéo léo, bản lĩnh, lại vừa có ngoại hình duyên dáng, đầy sức sống để tăng phần đạt được thành công trong tương lai”.

Cơ sở ngoại ngữ Bước Chân Việt (trụ sở tại số 2 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình – TPHCM) đã quảng bá chương trình đào tạo thiếu nữ “Lady of vision” (LOV) của mình như vậy.

Tìm kiếm người mẫu, tiếp viên hàng không?!

Trên nhiều văn bản liên quan đến LOV, đơn vị tổ chức thực hiện chương trình được nêu rõ là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng trực thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học - Kỹ thuật VN (Bộ Khoa học - Công nghệ); cơ sở ngoại ngữ Bước Chân Việt chỉ là đơn vị phối hợp và là đại diện của đơn vị tổ chức tại TPHCM cũng như các tỉnh, TP lân cận.

 Cơ sở ngoại ngữ Bước Chân Việt đang thuê mặt bằng hoạt động tại sân vận động Quân Khu 7
Cơ sở ngoại ngữ Bước Chân Việt đang thuê mặt bằng hoạt động tại sân vận động Quân Khu 7

Tuy nhiên, ông Đoàn Lưu Hùng Minh, hiệu trưởng cơ sở, khẳng định với chúng tôi vai trò chính trong chương trình đào tạo này, từ việc tổ chức đến thiết kế nội dung chương trình, địa điểm học tập..., đều do Bước Chân Việt lo liệu.

Theo chương trình đào tạo hoành tráng do cơ sở Bước Chân Việt thiết kế, LOV kéo dài trong 3 năm với 65 chuyên đề, chia đều trong 6 học kỳ, mỗi tuần học 3 buổi với tổng thời lượng 2.400 tiết. Nội dung chương trình bao quát cả về thể chất, tri thức, làm việc, giao tế, gia chánh, phòng vệ, thẩm mỹ, nghệ thuật...

Kết thúc khóa học, học viên – các thiếu nữ tuổi từ 13 đến 16, tương đương nữ sinh từ lớp 7 đến lớp 10 - được cấp chứng chỉ B ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) của Sở GD-ĐT TPHCM và chứng chỉ hoàn thành khóa học của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng. Giai đoạn 1, phạm vi đào tạo là học sinh các trường THCS, THPT ở TPHCM; giai đoạn 2 mở rộng ra các trường cùng cấp ở Hà Nội và trên cả nước.

Ông Minh đưa cho chúng tôi xem kết quả khảo sát 100 cô gái tuổi từ 20 đến 27, là sinh viên, nhân viên văn phòng, nhân viên siêu thị ở TPHCM xung quanh các tiêu chí mơ hồ về kỹ năng mềm, kỹ năng sống và kết luận nhiều bạn trẻ hiện rất thiếu kỹ năng sống, do đó việc tổ chức chương trình đào tạo LOV là cần thiết.

Xem chương trình đào tạo LOV của Bước Chân Việt, rất dễ nhận thấy nhiều môn trùng lắp với chương trình đào tạo mà học sinh đã học ở phổ thông. Bên cạnh đó, có rất nhiều môn “lạ”, như: Kỹ năng trang điểm, kỹ năng phối trang sức - nước hoa, kỹ năng tạo dáng, kỹ năng walking, kỹ năng diễn xuất trên sân khấu – trước ống kính, khiêu vũ...

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng khi xem qua một số nội dung LOV, ông cứ ngỡ đó là chương trình đào tạo để tìm kiếm những người mẫu hay tiếp viên hàng không!

Theo hiệu trưởng Đoàn Lưu Hùng Minh, chi phí đào tạo cho mỗi học viên chương trình LOV là 40 triệu đồng. Học viên chỉ đóng gần 10 triệu đồng, chi phí còn lại lấy từ nguồn tài trợ. Theo kế hoạch, khóa đầu tiên sẽ xét tuyển khoảng 120 học viên nhưng nếu nguồn tài trợ không đủ, sẽ phải còn 60 hoặc 40 em...

Mập mờ lực lượng giảng dạy

Về đội ngũ giáo viên để đáp ứng chương trình đào tạo, ông Minh cho biết phải thuê từ các trường: ĐH KHXH-NV TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, Du lịch Sài Gòn...

Chúng tôi đến các khoa: Lịch sử, Văn hóa học, Ngữ văn Anh, Đông phương học... của Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nơi theo kế hoạch của Bước Chân Việt là nguồn cung cấp giáo viên chủ lực của chương trình LOV.

Tuy nhiên, từ nhân viên văn phòng đến giảng viên của các khoa này đều rất ngỡ ngàng cho biết chưa bao giờ nghe đến tên chương trình “đào tạo thiếu nữ’. Văn phòng các khoa này cũng chưa bao giờ nhận được văn bản đề nghị hợp tác giảng dạy từ Bước Chân Việt.

Bà Đào Thị Dung, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, lắc đầu: “Nếu có tên tuổi, đơn vị công tác của giảng viên thì chúng tôi mới có thể biết được người đó là giảng viên cơ hữu hay thỉnh giảng của trường; còn nếu chỉ nói nguồn giảng viên của khoa này, khoa kia thì chúng tôi chịu!”.

PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng Khoa Nhân học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho rằng với một chương trình đào tạo như LOV đưa ra, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên gia và giảng viên giỏi. Tuy nhiên, danh sách mà Bước Chân Việt công bố không rõ ràng sẽ không tránh khỏi việc mượn danh giảng viên của trường này hay trường kia.

Theo PGS-TS Tiệp, lẽ ra nhà tổ chức phải công bố rõ ràng tên giảng viên, đơn vị nào, dạy môn gì, số điện thoại để tư vấn cho học viên...“LOV không đúng với tinh thần giáo dục mở và minh bạch hiện nay. Tôi đề nghị phải có hội đồng phản biện để xem chương trình đào tạo này có phù hợp hay không trước khi công bố và tiến hành tuyển sinh” - PGS-TS Tiệp đề nghị.

Tuy nhiều chuyện vẫn còn mập mờ, chưa đâu vào đâu như vậy nhưng Bước Chân Việt vẫn lên kế hoạch tuyển sinh và đào tạo: Từ ngày 25-10-2009 đến 5-12-2009 nhận hồ sơ học viên; từ ngày 6-12-2009 đến 28-2-2010 xét tuyển và bắt đầu nhập học từ ngày 1-3-2010.

Đội lốt trung tâm

Để tìm hiểu thêm về LOV, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng, đơn vị chính danh tổ chức thực hiện chương trình đào tạo thiếu nữ này, song thạc sĩ Lê Kim Thanh, giám đốc trung tâm, không nghe điện thoại.

Trước đó, ngày 6-11, bà Thanh đã có công văn ủy thác cho ông Đoàn Lưu Hùng Minh làm đại diện cho trung tâm để quảng bá chương trình, cung cấp và giải thích thông tin chi tiết về LOV cho các cơ quan báo chí.

Dù chỉ là một cơ sở ngoại ngữ, tuy nhiên, khi phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng để thực hiện chương trình đào tạo LOV cũng như trên các văn bản liên quan, Bước Chân Việt đều khoác áo “trung tâm văn hóa - ngôn ngữ”.

Điều buồn cười là ở các văn bản này, Bước Chân Việt tự xưng “trung tâm văn hóa – ngôn ngữ” nhưng con dấu đóng bên dưới lại ghi rõ ràng chỉ là cơ sở ngoại ngữ!

Khi chúng tôi đặt vấn đề về tính pháp lý của chương trình, hiệu trưởng Đoàn Lưu Hùng Minh thừa nhận: “Đây là sự nhầm lẫn. Lẽ ra, phải thống nhất ghi là cơ sở ngoại ngữ Bước Chân Việt”. Theo ông Minh, trung tâm văn hóa - ngôn ngữ là định hướng tương lai của Bước Chân Việt!

Sở GD-ĐT TPHCM chỉ cấp phép cho cơ sở Bước Chân Việt dạy ngoại ngữ. Nếu Bước Chân Việt đứng ra tổ chức chương trình đào tạo thiếu nữ LOV dưới danh nghĩa cơ sở ngoại ngữ là không được phép

Ông Phạm Anh Ba (Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM): Không phù hợp lứa tuổi từ 13 đến 16

Liên hiệp Các Hội Khoa học - Kỹ thuật VN ngày 6-11 đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TPHCM về việc tổ chức chương trình đào tạo thiếu nữ LOV, trong đó đề nghị sở giúp đỡ tạo điều kiện và cho phép Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng được triển khai dự án ở các trường trung học tại TP. Trong văn bản này, Liên hiệp Các Hội Khoa học-Kỹ thuật VN cho biết cũng đã gửi văn bản cho Sở GD-ĐT TP Hà Nội đề nghị giúp đỡ và tạo điều kiện để triển khai dự án ở các trường trung học tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội,  cho biết:“Tôi là người xử lý các văn bản của sở nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào đề xuất tổ chức chương trình đào tạo thiếu nữ LOV của Trung tâm Bước Chân Việt”.

Ông Thống cho rằng nếu được đề nghị, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cần phải xem xét, thẩm định. Nếu chương trình được thực hiện với thời lượng 2.400 tiết học, phân bổ trong 6 kỳ học sẽ là quá nhiều. Trong khi đó, chương trình học của học sinh hiện nay không phải là ít. Hơn nữa, với những nội dung chương trình LOV đưa ra, có vẻ không phù hợp với lứa học sinh từ 13 đến 16 tuổi.

Theo ông Thống, đây không phải là nội dung cần quan tâm trong các trường học, bởi thực tế những kỹ năng sống cũng đã nằm trong các chương trình đào tạo tại các trường phổ thông rồi.

Tại TPHCM, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT TP, cho biết sở đã nhận được văn bản của Liên hiệp Các Hội Khoa học - Kỹ thuật VN đề nghị hỗ trợ chương trình LOV và hiện đang nghiên cứu, song chưa nhận lời hỗ trợ triển khai ở các trường trung học ở TP.

Chỉ có lợi cho người tổ chức

PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp nhận xét: Nghe chương trình “đào tạo thiếu nữ” này, tôi đã thấy có tính chất quảng cáo ở trong đó. Bởi, một chương trình đào tạo mang tính giáo dục thường phải gắn với nội dung đào tạo về lĩnh vực gì đó để dư luận đỡ nhầm lẫn.

Theo PGS-TS Tiệp, nội dung chương trình đào tạo LOV gồm 65 chuyên đề, chia thành nhiều nhóm là quá ôm đồm, không rõ hướng tới mục đích gì.

PGS-TS Tiệp cho rằng thường chương trình đào tạo phải mang tính hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng hay đào tạo kiến thức để khi học xong, học viên có thể biết mình có kỹ năng nào, làm được việc gì.

Chương trình đào tạo LOV sẽ có thể chấp nhận được nếu để cho học viên tự chọn môn học theo sở thích, như học viên muốn làm lễ tân thì phải học môn gì liên quan đến công việc đó, hay thích nữ công thì học cắm hoa, may vá...; đồng thời  học viên chỉ phải đóng tiền học phí theo nhóm ngành mình chọn. “Bắt học viên học tất cả các nhóm ngành trong cùng một khóa học thì chỉ có lợi cho người tổ chức còn đối với học viên, đặc biệt với lứa tuổi từ 13-16, là không cần thiết” – PGS-TS Tiệp khẳng định.

Theo Người Lao Động