Người ôm xác vợ và những kỷ niệm từ thời thanh mai trúc mã

08:39, 02/12/2009

"Tui nhất quyết nhất quyết phải giữ vợ bên mình đến cùng. Mặc dù họ hàng, chính quyền địa phương thuyết phục để đi chôn, nhưng trong tận thâm tâm tui hứa với vợ là sẽ mãi mãi ở bên vợ.

"Tui nhất quyết nhất quyết phải giữ vợ bên mình đến cùng. Mặc dù họ hàng, chính quyền địa phương thuyết phục để đi chôn, nhưng trong tận thâm tâm tui hứa với vợ là sẽ mãi mãi ở bên vợ. Để yêu thương, chung thủy trọn đời"… [links()]

Để được yêu thương, thuỷ chung trọn đời!

Sáng ngày 1/12, chúng tui trở lại ngôi nhà của ông Lê Vân, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để trò chuyện cùng ông về hành trình “ôm xác vợ” chung sống 7 năm.

Cũng như mọi thanh niên cùng thời, đám cưới của ông Lê Vân và bà Phạm Thị Sương được cha mẹ hai bên giao ước từ trước, khi cả hai chỉ là những đứa trẻ với các trò bắn bi, đánh đáo, nhảy dây… Và sau khi kết hôn, cuộc sống vợ chồng khiến tình yêu của họ nảy nở. Cuộc sống vợ chồng từng ngày trôi qua êm đềm hạnh phúc.

 Ảnh cưới của ông Lê Vân và bà Phạm Thị Sương thời trẻ.
Ảnh cưới của ông Lê Vân và bà Phạm Thị Sương thời trẻ.

Cuộc sống của đôi vợ chồng Lê Vân và Phạm Thị Sương êm đềm trôi nhanh và những đứa con lần lượt ra đời, minh chứng cho tình yêu của 2 người. Nhưng rồi sự chia lìa xảy ra trong một ngày định mệnh năm 2003, khi ông và con trai đi làm xa.

“Năm 2003, tui và hai đứa con trai làm nghề chẻ đá xanh ở Gia Lai, các con điện thoại lên báo mẹ mất. tui như sét đánh ngang tai, tui vứt bỏ về nhà và nhất quyết không cho các con, họ hàng chôn cất vợ tui. tui nhất quyết phải giữ vợ bên mình đến cùng. Lúc này, ở nhà mấy đứa con đã đi coi ngày chôn cất mẹ rồi. Người nhà, họ hàng, chính quyền địa phương thuyết phục mãi tui mới đồng ý cho chôn, nhưng trong tận thâm tâm tui hứa với vợ là sẽ mãi mãi ở bên vợ”, ông Vân tâm sự.

“Khi chôn cất vợ xong, tui ray rứt trong người khó chịu lắm, tâm trạng tui đau nhói rất khó chịu. Giống như cảnh người vợ, người yêu tiễn chồng, tiễn người yêu đi xa vậy. Chôn vợ xong, cứ đến tối tui lại lên ngôi mộ vợ thắp nhang và thắp giữ mãi ngọn đèn dầu trên mộ trong suốt 24 tháng sau ngày bả mất. Không thể cầm lòng và không lúc nào tui không nghĩ về cô ấy. Tui quyết định đào mộ vợ lên đem xác về nhà để chúng tui mãi mãi được ở bên nhau như lời thề ước”, ông Vân cho biết thêm.

 Căn nhà đầy bí ẩn của ông Lê Vân, tổ 12, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Căn nhà đầy bí ẩn của ông Lê Vân, tổ 12, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Nghĩ là làm, ông Vân chuẩn bị cuốc xẻng, vỏ bao xi măng đi đào xác vợ mang về. “Tui còn nhớ như in, vào đúng 10 giờ khuya ngày 16/11/2004, sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, tui lên mộ vợ và phải mất hơn 3 giờ đồng hồ với cuốc, xẻng, đòn tre tui mới nâng được quan tài vợ tui lên khỏi mặt đất.

Sau đó dùng vỏ bao xi măng đậy lên quan tài để che đậy, tránh sự phát hiện của mọi người. Và cuối cùng, tui cũng mang được di hài vợ tui về nhà. Và có 1 điều không thể lý giải được là với sức khỏe của tui, chỉ vác được hòn đá chừng 100 ký trở lại, nhưng không hiểu sao đêm hôm đó tui có thể nâng quan tài nặng gần 600 ký từ độ sâu 1,5m rất gọn gàng và nhanh chóng như vậy”, ông Vân hồ hởi.

"Khi mang xác vợ về nhà, đối mặt với sự phản đối của các con, họ hàng, hàng xóm và chính quyền địa phương yêu cầu chôn xác vợ trở lại. Nhưng đã hứa với bả là sẽ đem bả về bên tui mãi mãi, nên lần này, tui quyết định mua thạch cao, xi măng, băng vải y tế về tự tay nặn tượng vợ tui giống như lúc bả còn sống. Hơn 1 tháng, bức tượng được hoàn thành với kích thước, chiều cao như hồi vợ tui còn sống. Rồi ra mộ âm thầm bốc toàn bộ hài cốt đem về bỏ vô bức tượng. Sau đó, tui mặc quần áo và để nằm trên giường. Và từ đó đến nay, tui ôm tượng vợ ngủ gần 7 năm nay có sao đâu".

Như chưa hề có sự chia lìa

“Hồi mới đưa xác vợ về nhà cho nhập vào bức tượng thì mọi người từ con cái, họ hàng, hàng xóm còn phản đối và tui cũng ngại ít tiếp xúc. Nhưng rồi thời gian, mọi người cũng thấy bình thường. 

Hàng ngày tui vẫn “chăm sóc” vợ vẫn như ngày thường tui chăm sóc vợ khi còn sống, như vẫn dành cho vợ một tình cảm đặc biệt, một tình yêu chung thuỷ. Tui đem chiếc áo cưới lúc bả mới 19 tuổi làm cô dâu trong ngày hạnh phúc của tui và bả. Cứ hai tuần, tui thay áo, mặc áo dài cô dâu cho vợ một lần, để bả vẫn biết tui chung thuỷ, yêu thương bả như lúc còn sống".

Ông Vân vẫn thường ôm xác vợ ngủ hàng đêm.
Suốt 7 năm trời, ông Vân ôm "tượng vợ" ngủ, như bà Sương vẫn sống bên ông và các con.

Mỗi đêm nằm bên xác bả, tui vẫn trò chuyện khoảng 15 phút rồi mới đi ngủ. Tui kể cho bả nghe, ngày nay tui đi làm ở bãi đá, chẻ được được bao nhiêu viên đá, được bao nhiêu tiền, đủ mua gạo nấu cho các con ăn. Rồi công việc đồng áng, mấy sào ruộng tui vẫn tận dụng thời gian ra đồng làm để kiếm thêm chục ang lúa xay cho lấy gạo nấu cho các con ăn.

Chuyện các con nhớ mẹ như thế nào, tui cũng kể cho bả nghe. Chuyện thằng con trai út, Lê Quốc Hoàng Tuấn, từng ngày lớn lên giống mẹ lắm, tui cũng kể cho vợ nghe. Rồi thằng út Tuấn ngày đầu tiên đi học mẫu giáo đánh vần ê a cũng kể cho vợ nghe. Như cô ấy vẫn ở đó, như chưa bao giờ có sự chia cắt giữa 2 chúng tui”, ông Vân kể lại.

Cuộc sống bần hàn nhưng chan chứa tình cảm

Theo bà con kể lại, cuộc sống của ông Lê Vân và bà Sương không có gì khác mọi người thời bấy giờ. Thời trai trẻ, ông Lê Vân và bà Phạm Thị Sương không yêu nhau nhưng vẫn trở thành vợ chồng như bao đôi trai gái khác lúc bấy giờ. Đám cưới của họ được cha mẹ hai bên gia đình tác hợp.

“Trước đây vợ chồng ông Vân làm nghề mộc rất khá, nhờ vậy có tiền cất được một ngôi nhà khang trang ở cạnh sân vận động. Có thời gian ông Vân có chơi lô đề nên kinh tế gia đình giảm rõ rệt. Nhưng không vì thế tình yêu của vợ chồng họ sứt mẻ. Ông yêu thương vợ đến nỗi không cho cô Sương làm một việc gì nặng nhẹ trong gia đình. Họ có với nhau 7 mặt con”, ông Nguyễn Văn Thành, tổ trưởng tổ 12, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) kể lại.

 Hàng ngày, ông Vân lấy áo cưới mặc cho bà Sương như bà vẫn đang chung sống cùng ông 
Hàng ngày, ông Vân lấy áo cưới mặc cho bà Sương như bà vẫn đang chung sống cùng ông 

Rồi sau đó, ông Vân bán ngôi nhà đang ở, dọn về nhà cha mẹ và xây dựng một ngôi nhà nhỏ khác để ở. Ông chuyển qua nghề chẻ đá xanh bán xây nhà, còn vợ làm nhang bán kiếm tiền phụ thêm. Rồi cái đêm định mệnh khiến bà Sương qua đời đã dẫn đến toàn bộ sự việc như ngày hôm nay.

Cũng theo người dân cho biết, khi vợ mất, ông Vân vẫn làm nghề chẻ đá để kiếm tiền nuôi các con và luôn ở bên cạnh xác bà 7 năm nay. Mấy ngày nay, khi chúng tui đến nhà ông tìm hiểu viết bài, ông vẫn đi làm nghề chẻ đá cách nhà khoảng 700m, thời gian rảnh rỗi ông tranh thủ ra đồng làm một, hai sào ruộng kiếm thêm cái ăn. Mọi biểu hiện vẫn bình thường. Cứ tối thứ 7, ông lại đi dự họp tổ dân phố, vẫn tham gia góp ý kiến tại cuộc họp...

Nói về tình cảm thời trai trẻ của mình và vợ, ông Vân tâm sự: Hồi nhỏ ông và bà Sương rất thân nhau, những buổi trưa hè ở làng quê nghèo Hà Lam 2, nay là thị trấn Hà Lam, ông chạy qua nhà bà Sương rủ bà chơi bắn bi, nhảy dây, nhảy cò, rồi chơi trò trốn tìm rất vui tươi. "Tuổi thơ của tui và bả sao mà vui vẻ vậy. Rồi bả đến 19 tuổi, tui 24 tuổi, cha mẹ hai bên gia đình bất ngờ bàn bạc với nhau làm đám cưới cho tui và bả. Ngày bả về nhà tui, bả rụt rè lắm, tui ở bên bả động viên yêu thương bả nhiều lắm. Tui còn chọc yêu bả là: Sao hồi nhỏ, mỗi trưa hè, tui sang nhà rủ em chơi nhảy dây, chơi trò trốn tìm thì lúc nào cũng bắt tui phải thua, cho em thắng, sao nay làm vợ tui, sao em rụt rè vậy? Bả nhéo tay tui đâu nói: Hồi con nít khác, chừ làm vợ anh rồi em khác chớ".

 Công việc thường nhật của ông Vân trong căn bếp tồi tàn.
Công việc thường nhật của ông Vân trong căn bếp tồi tàn.

Ông Vân kể tiếp: "Bả có tính hay nóng lắm, những lúc vợ nóng là tui làm thinh, không cãi lại. Vì tui đã biết tính tình bả hồi nhỏ rồi mà. Làm chồng phải biết nhường nhịn vợ những khi vợ nỏng nảy chứ. Tui luôn khuyên các con mình là vợ chồng sống với nhau có chuyện gì thì cũng phải biết nhường nhịn nhau một tiếng mới hạnh phúc được các con ạ. Khi về sống với nhau, tui yêu thương vợ nhiều lắm, vợ cũng yêu thương tui nhiều lắm. Vợ chồng tui có với nhau 7 đứa con thì tình yêu thương chúng tui dành cho nhau dạt dào hơn, sâu sắc hơn".

Cũng theo ông Vân, vào những năm 1979 - 1980, khi ông làm tổ trưởng tổ chẻ đá xanh tại quê với hơn 30 người. Thời gian ông lên Gia Lai làm nghề chẻ đá, một tháng là ông đón xe về nhà thăm gia đình một lần, vì ông đi lâu thì nhớ vợ, nhớ gia đình không chịu được. Hiện gia đình ông Vân là một trong số ít ỏi những hộ nghèo của thị trấn Hà Lam này.

Theo VTC