Đào tạo thầy giỏi, mới có trò hay

09:42, 30/11/2009

Chương trình GD PT bắt đầu vòng đổi mới từ năm 2000 đến nay, nhưng ở các trường sư phạm phương thức  ĐT giáo viên lạc hậu vẫn duy trì hàng chục năm nay, dẫn tới chất lượng đội ngũ không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu vòng đổi mới từ năm 2000 đến nay, nhưng ở các trường sư phạm phương thức  đào tạo giáo viên lạc hậu vẫn duy trì hàng chục năm nay, dẫn tới chất lượng đội ngũ không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Việt Nam hiện có 13 ĐH Sư phạm, 15 khoa sư phạm trong các ĐH đào tạo giáo viên THPT, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nhưng hầu hết chỉ là “thay tên đổi họ”, còn thực chất không có sự thay đổi lớn về chương trình và cách thức đào tạo giáo viên THPT.

 

Ông Hồ Xuân Cường, Sở GD- ĐT Bình Định kiến nghị, Bộ cần xem xét quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trong toàn quốc, đồng thời đánh giá lại việc chuyển các trường sư phạm sang đào tạo đa ngành để có định hướng tốt hơn về công tác đào tạo đội ngũ giáo viên, đặc biệt là vấn đề dự báo để xác định quy mô phát triển và tiến hành đầu tư cho giáo dục sư phạm.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang gấp rút xây dựng một mô hình đào tạo giáo viên THPT và TCCN mới.

Nặng lý thuyết, nhẹ thực hành

Theo phân tích của PGS.TS Bùi Văn Nghị, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhược điểm của cách đào tạo giáo viên THPT lâu nay là dành nhiều thời gian cho các môn chuyên ngành nên chất lượng dạy nghề thấp. Các trường sư phạm cũng mới chú ý tới việc dạy của thầy hơn là là của sinh viên dẫn tới hiệu quả rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nên giáo viên mới ra trường còn yếu về phương pháp dạy học. 

Ngoài ra, thời lượng thực hành quá ít là một hạn chế của đào tạo sư phạm. Sinh viên chỉ thực sự được thực hành giảng dạy trong thời gian từ 8 - 10 tuần đi thực tập và cũng chỉ giới hạn ở một số tiết nhất định tại trường phổ thông.

Tương tự, công tác đào tạo giáo viên TCCN không khá hơn. Theo GS.TS Phan Văn Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, kết quả khảo sát năm 2008 về thực trạng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN cho thấy: Kiến thức về chuyên môn của giáo viên TCCN không được thường xuyên cập nhật, trình độ nghiệp vụ sư phạm còn yếu, nhất là kỹ năng giảng dạy thực hành và công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp. Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành.

Thời lượng thực hành quá ít cũng là một hạn chế của đào tạo sư phạm. Ảnh: Trung Kiên
Thời lượng thực hành quá ít cũng là một hạn chế của đào tạo sư phạm. Ảnh: Trung Kiên

Mang tiếng là “thầy dạy thầy” nhưng phương pháp giảng dạy còn lạc hậu, nặng về truyền thụ một chiều, chưa thể hiện được sự đổi mới để sinh viên sư phạm học tập, vận dụng trong nghề dạy học sau này.

Khắt khe từ đầu vào

Để nâng cao chất lượng giáo viên THPT và TCCN trong bối cảnh hội nhập, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, muốn có sản phẩm tốt phải có nguyên liệu tốt phải chú trọng đến khâu tuyển sinh.

“Sẽ khó cho sản phẩm đầu ra có chất lượng cao khi sản nguyên liệu đầu vào không tốt. Hầu hết các nước phát triển như: Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản... tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, là người có bằng cử nhân 3-4 năm một ngành chuyên môn, là người có bằng thạc sĩ chuyên môn”, ông Báo nói.

Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại một bộ phận giáo viên THPT được tào tạo theo loại hình từ xa, tại chức ở các trung tâm giáo dục thường xuyên có chất lượng đầu vào không cao, quá  trình đào tạo còn nhiều bất cập nên không đảm bảo chất lượng, yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới.

Cũng liên quan đến việc tuyển chọn đầu vào, GS Báo nhớ lại, cách đây hơn 10 là thời kỳ hoàng kim của trường sư phạm vì điểm trúng tuyển có khoa lên tới 29 điểm (khoa Toán), nhưng đến giờ bắt đầu hết hiệu lực vì  chính sách  miễn học phí không còn hấp dẫn người giỏi sư phạm. Vì vậy, nếu các trường sư phạm không sớm đổi mới để đào tạo giáo viên phù hợp với nội dung chương trình mới thì sẽ tiếp tục rơi vào vòng lẩn quẩn: đào tạo - đào tạo lại, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, lại ảnh hưởng đến học sinh.

Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc sở GD-ĐT Nghệ An đề xuất, nên tăng thời gian đào tạo giáo viên lên năm năm thay vì bốn năm như hiện nay. Ở nhiều nước như Mỹ, ĐH sư phạm có thời gian đào tạo là  năm, trong đó dành hẳn một năm để sinh viên thực hành. Với cách đào tạo này, sinh viên sư phạm sẽ có chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng hơn trước khi trở thành giáo viên.

Theo Đất việt