Học sinh hào hứng với những tiết học ngoài trời

09:04, 24/11/2009

Không bảng đen, không phấn trắng, cũng không bàn ghế, tập vở, nhưng đó lại là những tiết học giúp giáo viên thoát khỏi cảnh “đọc - chép”, học sinh hiểu bài và yêu thích môn học hơn.

Không bảng đen, không phấn trắng, cũng không bàn ghế, tập vở, nhưng đó lại là những tiết học giúp giáo viên thoát khỏi cảnh “đọc - chép”, học sinh hiểu bài và yêu thích môn học hơn. Những tiết học này thường diễn ra ngoài công viên, bảo tàng lịch sử hoặc một chuyến dã ngoại.

Ngày chủ nhật giữa tháng 11, thầy, trò THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP HCM, đã có chuyến tham quan, học tập ngoại khóa tại khu di tích Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Hàng trăm học sinh ba khối lớp 10, 11, 12 đã có những trải nghiệm thú vị từ những bài học địa lý và lịch sử vốn khô khan trước đó.

Đi, nghe, thấy và cảm nhận

Tô Hoàng Long, học sinh lớp 10A2 hào hứng nói: “Tụi em cũng đã từng học những tiết học Lịch sử tại bảo tàng kháng chiến Nam bộ, dinh Thống Nhất, nhưng chuyến đi xa như thế này là lần đầu tiên. Em và các bạn thích nhất là được xem hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn và nhà ở làm việc của các vị lãnh đạo cách mạng”. Những hiện vật của phòng triển lãm cũng là trực quan khiến cho mỗi bài giảng trên lớp thêm sinh động. Phương Khanh, lớp 11A7 nói: “Đến thăm cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, em mới có dịp hiểu sâu hơn về cuộc sống bình dị, thiếu thốn trong chiến tranh”.

Chuyến tham quan học tập của thầy và trò THPT Nguyễn Thái Bình, TP HCM tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Thủy
Chuyến tham quan học tập của thầy và trò THPT Nguyễn Thái Bình, TP HCM tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Thủy

Tuy không có điều kiện để tham quan học tập bằng những chuyến đi xa như các anh chị cấp III, nhưng các em học sinh tiểu học cũng có những giờ học ngoài trời vô cùng thú vị. Từ năm học 2006 - 2007 đến nay, thầy và trò trường tiểu học Hanh Thông, quận Gò Vấp vẫn duy trì tiết học ngoài trời tại công viên Gia Định. Ngoài học theo nhóm, học sinh còn được tham gia trò chơi vận động, tiếp cận và tận hưởng không khí trong lành của môi trường thiên nhiên.

Theo quy định của Bộ GD - ĐT, trong phân phối chương trình, mỗi tuần đều có ba tiết dành cho giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, 2/3 thời lượng này được các trường bố trí cho chào cờ và sinh hoạt lớp... Bộ GD - ĐT cũng có tài liệu hướng dẫn rất cụ thể hoạt động ngoài giờ, tuy nhiên, việc tổ chức ở các trường phần lớn rơi vào hình thức, thiếu hấp dẫn đối với học sinh. Ở nhiều trường, các tiết học ngoại khóa thiên về hoạt động bề nổi như giao lưu, văn nghệ, tham quan nhưng không các hình thức sáng tạo và liên quan trực tiếp đến môn học.

Không có một diện tích lý tưởng như các trường chuẩn quốc gia, nhưng nhiều năm qua, Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 đã biết “tận dụng” lợi thế vị trí địa lý của trường mình (gần Thảo cầm viên Sài Gòn và Bảo tàng Hồ Chí Minh), để tổ chức những tiết học tự nhiên và xã hội ngoài trời cho học sinh.

Giáo viên “kiêm” hướng dẫn viên

Tuy nhiên, để tổ chức một tiết học ngoài trời hay chuyến tham quan học tập đạt hiệu quả không phải là chuyện dễ dàng. Trên chuyến xe từ TP HCM đến Tây Ninh, giáo viên tổ bộ môn Sử, Địa, GDCD phải kiêm luôn “hướng dẫn viên”, giới thiệu về hành trình chuyến đi, ý nghĩa của từng địa danh trên đường đi: 18 thôn vườn trầu, đất thép Củ Chi, vị trí chiến lược Trung ương cục miền Nam.

Thầy giáo Dương Hiền Chữ, dạy môn Địa, THPT Nguyễn Thái Bình chia sẻ: “Dẫn các em đi tham quan học tập, giáo viên phải đặt sự an toàn của HS lên trên hết. Hơn nữa, các tiết học này phải “minh họa” sâu sắc cho những bài giảng trên lớp, do đó tài liệu học tập, cách tổ chức và sắp xếp thời gian của người giáo viên vô cùng quan trọng”.

Tuy nhận thấy được lợi ích của các tiết học ngoài trời, chuyến tham quan học tập xa, nhưng hiện nay, nhiều trường vẫn ngần ngại tổ chức. Một trong những nguyên nhân, theo bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng, quận 3 đó là vấn đề kinh phí và an toàn của học sinh. Do đó, nhiều năm nay, trường chỉ dám tổ chức cho một vài lớp đi tham quan học tập những nơi gần trung tâm chứ chưa dám tổ chức đi xa.
 
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD - ĐT TP HCM cho biết, Sở rất khuyến khích các trường tổ chức những tiết học ngoài trời và tham quan học tập. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học, việc dạy các em bằng những phương pháp trực quan sinh động, đưa học sinh đến gần với môi trường thiên nhiên sẽ kích thích khả năng sáng tạo và phát huy tối đa các kỹ năng của học sinh. Do đó, nhà trường và giáo viên nên mạnh dạn tổ chức dạy và học bằng phương pháp này.

“Tuy nhiên, để tổ chức những tiết học này đòi hỏi giáo viên phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp ba so với những giờ học thông thường. Vì ngoài hướng dẫn bài học, giáo viên còn phải làm dụng cụ dạy học, tổ chức tiết học cho phù hợp với địa điểm, không gian, nội dung bài học, đồng thời phải đảm bảo được an toàn cho học sinh”, ông Điệp cũng chia sẻ.

Theo Đất việt