Học thuê cũng là một nghề?

11:53, 02/12/2009

Cô bạn cùng lớp Thạc sĩ với tôi, làm Truyền hình nên suốt ngày phải đi công tác nơi này nơi khác. Mỗi lần như thế, cô đều phải cuống cuồng tìm người thuê đi điểm danh hộ.

Bạn muốn vi vu Sài Gòn vài ngày? Bạn được phân công đi công tác xa một tuần? Và bạn đang đau đầu không biết phải xử lí sao với việc học hành, mà dạo này các thầy lại “thiết quân luật” quá, điểm danh tới tấp? Chỉ là chuyện nhỏ!

Nhiều người chẳng cần đến lớp cũng vẫn có được cấp bằng

Học hộ tới học thuê

Minh T, sinh viên năm thứ 3 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, làm quen với “nghề” này rất vô tình. Hồi năm thứ hai, cô bạn thân tên H học trường báo bị ngã xe không thể đi học được. Dù có lí do chính đáng nhưng nếu nghỉ quá nhiều so với số buổi qui định thì dễ mà không được thi hết môn. Nếu có làm đơn trình bày hoàn cảnh với khoa thì cũng rắc rối, phiền hà lắm.

Thương bạn, Minh T đồng ý tới lớp điểm danh hộ. Vì giờ học của hai người lệch nhau. Nhưng để yên tâm, cô bạn của Minh T đã “phím” trước cho vài người bạn cùng lớp, để khi Minh T đi học hộ không bị mọi người thắc mắc. Với lại, nhỡ thầy kiểm tra đột xuất, còn có thể ném phao cứu trợ. Chứ nếu không Minh T sẽ không biết phải xoay sở ra sao.

“Buổi đầu, mình run lắm. Cứ lấm la lấm lét như người ăn trộm. Có cảm giác như tất cả mọi người đang dồn mắt vào mình như kiểu mình là người ngoài hành tinh. Nhưng mà tới buổi thứ ba thì ổn, mình thấy bình thường như lúc đi học cho mình. Vì tất cả mọi người đều biết, chỉ mình thầy không biết”. –  Minh T kể lại kỉ niệm ngày đầu đi học hộ.

Sau lần ấy, bạn bè trong lớp của bạn Minh T, hễ “không thích” đi học thì lại thông qua H, nhờ Minh.T đi điểm danh hộ. Một lần, hai lần thì gọi là nhờ vả. Những lần sau, họ cũng trả ít thù lao cho Minh T đi lại. Ban đầu, T từ chối, vì nghĩ rằng, bạn bè chỉ giúp nhau. Nhưng sau, thấy mọi người cũng chân thành nên bạn cũng vui vẻ nhận tiền. Cái nghề học thuê, đến với Minh T như thế đấy!

Ngọc M, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Hà Nội, cũng đến với nghề học thuê rất vô tình. Cạnh dãy trọ của M, có chị học viên cao học, quê tận Phú Thọ. Chị này đã có gia đình, vỡ kế hoạch, nên vừa mang “trống” vừa tới trường.

Sắp tới ngày khai hoa nở nhụy rồi mà chị vẫn còn phải đi học. Bố mẹ chồng ở quê giục về rối rít vì sợ chị một thân một mình nhỡ lại đẻ rơi, đẻ rớt. Nhưng chị lại không muốn bỏ học vì “năm sau mới học lại được, chậm mất tiến độ bảo vệ luận văn”. Trong lúc, “cấp bách” chị thấy M, hiền lành, chăm chỉ học hành, liền ngỏ ý nhờ M đi học hộ chị.

M đã nghe thấy bạn bè nói chuyện đi học hộ cũng không ít nhưng mà đây là lớp cao học sao dám? Nhưng thấy chị năn nỉ quá, tình cảnh lại éo le. M nhận lời mà trong lòng nơm nớp. Ngày nào đi học, M cũng ngồi bàn cuối cùng. Lúc nào cũng giả vờ ghi chép, không dám ngước lên nhìn thầy mấy khi vì sợ thầy phát hiện “học trò mới toe”.

Phần lớn người đi học thuê là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Vài buổi, quen dần, lại được mấy chị ngồi gần bảo rằng: “Thầy già rồi, mắt kém không nhận ra đâu. Bọn chị vừa học xong, ra đường gặp thầy, thầy còn hỏi: em học tôi à”? M mạnh dạn hơn, không còn run rẩy mỗi lần tới lớp nữa.

Thế là bà chị kia yên tâm quá, mấy tháng ở cữ không phải lo về chuyện điểm danh. Chị cũng không quên bồi dưỡng cho M. Thế là từ chỗ học hộ, nay M là sinh viên kiêm nghề học thuê nữa.

Kiếm tiền dễ như… học thuê

Những người học thuê phần lớn là các sinh viên, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn kiếm việc làm thêm giúp đỡ bố mẹ. Họ hoàn toàn có thể kiếm tiền dễ dàng từ việc học thuê. Người đi thuê lại có tiền, nhưng vì lí do nào đó không thể đến lớp đều đặn. Họ sẵn sàng trả một khoản tiền xứng đáng cho người đi điểm danh hộ.

Theo Minh T thì bây giờ giá một buổi học thuê khoảng 20, 30k đối với bậc cử nhân. Còn nếu học thuê ở bậc cao học, tại chức thì số tiền khoảng 50k. Chỉ mấy vài tiếng đồng hồ, giả vờ ghi ghi, chép chép, có thể bỏ túi số tiền tương đương với một buổi gia sư rát họng. Nên ngày càng có nhiều người “hành nghề” học thuê.

Đương nhiên là những mối học thuê thường là chỗ quen biết từ trước, sau đó, người nọ truyền người kia. Chỉ cần ới một tiếng, thông báo địa điểm, lịch học, tên người điểm danh… là họ có thể “vô tư”.

M cho biết “Thường thì học ngày nào nhận tiền ngày ấy. Bọn mình chủ yếu đi điểm danh cho những ai bận việc đột xuất, chỉ 1 vài buổi thôi. Học xong “tăng” nào lấy tiền “tăng” ấy. Tiền tươi! Nhưng thỉnh thoảng cũng có vài mối học cả kì, cả tháng. Số tiền công cũng khá lắm.”

Nhu cầu thuê người học ngày càng nhiều

Thời buổi này, người có bằng cao đẳng thì muốn có thêm bằng đại học. Có bằng đại học rồi, lại muốn làm thạc sĩ cho bằng ai. Cho nên nhu cầu học để lấy cái bằng cho dễ bề thăng tiến ngày một cao. Vì người Việt Nam ta còn nặng về bằng cấp lắm.

“Ham học” cũng tốt! Nhưng mấy ai, chịu bỏ công bỏ việc mà học hành cho nó chỉn chu đâu. Ngày đi làm, tối đi học; có khi ngày vừa làm, tranh thủ đi học vài tiếng… Lúc nào không thể bỏ việc thì bỏ tiền ra mà thuê người học. Học để kiếm tiền nhiều hơn. Nhưng mà nếu không làm thì không thể kiếm tiền đi học. Mối quan hệ với học – làm; làm – học cứ luẩn quẩn loanh quanh.

Chỉ cần tới điểm danh, nên nghe thầy giảng cũng được,
ngủ cũng không sao

Anh Tiến, đang theo học lớp tại chức Trường Đại học kinh tế cho biết: “Mình sống và làm việc ở Vĩnh Phúc cơ. Nhưng vì tương lai lâu dài, kiểu gì cũng phải có cái bằng đại học. Mà công việc thì bộn bề. Không thể ngày nào cũng đi 4, 5 chục cây số tới trường được. Nên phần lớn thời gian mình thuê người đi học hộ. Đến lúc thi mới bỏ việc mà thi. Nhưng mà có lúc đi công tác xa. Thi cũng thuê nốt”.

Tôi có một bà chị đang làm cho Chi nhánh Viettel tại Lai Châu. Nhưng để có thể có vị trí cao hơn trong công ty, chị cũng quyết học thêm cái ‘bằng hai”. Chị nhận được kết quả báo trúng tuyển rồi. Nhưng mà một nách hai con nhỏ, chị làm sao có thể tới lớp theo học đều đặn đây? Tôi thắc mắc chị thản nhiên nói: “Thuê người em ạ! Chị xác định rồi nên mới quyết định đi thi.”

Cô bạn cùng lớp Thạc sĩ với tôi, làm Truyền hình nên suốt ngày phải đi công tác nơi này nơi khác. Mỗi lần như thế, cô đều phải cuống cuồng tìm người thuê đi điểm danh hộ.

Theo Eva.vn