Những đứa trẻ bị "ép" giới tính
Khi phát hiện con đồng tính, nhiều bậc cha mẹ đã không bình tĩnh lắng nghe mà chỉ la mắng, áp đặt tạo áp lực làm con cái ức chế, bế tắc.
Khi phát hiện con đồng tính, nhiều bậc cha mẹ đã không bình tĩnh lắng nghe mà chỉ la mắng, áp đặt tạo áp lực làm con cái ức chế, bế tắc.
Một ngày bạn đột ngột thấy con mình ăn mặc, đi đứng như phụ nữ, bạn sẽ phản ứng thế nào? Sẽ xử trí ra sao khi bắt gặp con gái mình đầu ấp tay gối với một người phụ nữ khác hoặc chúng thổ lộ chỉ có thể yêu thương và kết hôn với người đồng giới?
“Mày thích làm con gái hay con trai?” - “Dạ con gái”. “Vút... ú..t” - thêm một lằn roi hằn lên người của Kha Thành Phát - một gay 16 tuổi.
“Mày phải là con trai!”
Chỉ đến khi em nức nở gạt nước mắt nói dối lòng mình “Con thích làm con trai”, ba mẹ em mới hài lòng: Cha ngừng đánh, còn mẹ ngồi tỉ tê giải thích: “Con phải là con trai, vì con là con trai, con phải nối dõi tông đường...”.
Mọi món đồ con gái Phát mua về: tóc giả, quần áo nữ đều bị cha mẹ đem đi cắt, đốt hết. Để thoát khỏi áp lực của ba mẹ, Phát xin ba mẹ cho đến ở với bà ngoại. Tuy vậy, nhất cử nhất động của em đều bị người dì quan sát, báo lại với mẹ em và thi thoảng, trận đòn roi ép:“Mày thích làm con gái hay con trai?” lại diễn ra.
Nếu cha mẹ hiểu và chấp nhận, những đứa con đồng tính sẽ sống vui với giới tính thật của mình |
Bạn thân của Phát, Nguyễn Thanh Tuấn cũng chung hoàn cảnh giống em. Quê Tuấn ở Bến Tre, từ nhỏ cậu đã thích chơi những trò của con gái. Lớn lên xíu nữa, em thích trang điểm, dùng mỹ phẩm và đi lại nhẹ nhàng, yểu điệu. Cha nhiều lần la mắng: “Yên lành không muốn lại muốn làm cái giống pê đê. Mày mà cứ như vậy thì đi khỏi nhà cho khuất mắt tao!”. Học tới lớp 5, ngày nào Tuấn cũng bị bạn bè trêu chọc “thằng pê đê” nên em không muốn đến lớp nữa. Về nhà, ngày nào Tuấn cũng bị cha mẹ la rầy, chỉnh tướng đi, chỉnh từng cử chỉ cho giống con trai. Không chịu được áp lực, em bỏ nhà lên TP.HCM sống kiếp lang thang đường phố và chọn khu ổ chuột Lý Chiêu Hoàng làm nơi đi về.
Cả Phát và Tuấn đều đi hát cho một dàn nhạc chuyên hát đám ma. Công việc này thu nhập không ổn, sống bữa no bữa đói nhưng cả hai rất hài lòng. Vì chỉ khi đi hát, các em mới được trang điểm, được mặc trang phục mình yêu thích, được sống với con người thật của mình và tạm quên mọi sự kỳ thị, ép buộc của gia đình về giới tính.
Xua đuổi là giết con
“Mày cút ra khỏi nhà tao! Tao không có thứ con mất dạy như mày”. Cha dượng quăng sách vở, đồ đạc của Thành Hưng (An Giang) ra khỏi nhà khi phát hiện em chơi với nhóm bạn đồng tính. Và em bỏ nhà đi thật, bỏ luôn tấm bằng tốt nghiệp phổ thông 12 năm trời đèn sách, bỏ luôn giấc mơ đại học. Em lên Sài Gòn với lời thề “Có chết cũng không trở về nhà!”.
Công viên 23-9 là nhà và cũng là chỗ làm việc của em. Vì chơi với nhóm bạn đồng tính nên em nghĩ mình là gay. Vậy là em đi khách cho Tây, được bao nhiêu em nướng vào sòng bạc, hút chích. Cho đến khi gặp Hương thì em mới chợt nhận ra rằng những bốc đồng của tuổi mới lớn đã giết chết tương lai của em, em không hề đồng tính như mình nghĩ. Đã quá muộn cho một tình yêu thật sự bắt đầu. Hưng đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Em chôn chặt tình yêu của mình và tự kết liễu đời mình bằng thuốc ngủ ở tuổi 21.
Gia đình là mặt đất
Bác sĩ Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 2, cho rằng bất kỳ thanh thiếu niên nào cũng đều cảm thấy bị bạn bè cô lập, xa lánh hoặc chế nhạo, dẫn tới suy sụp và muốn tự sát ở một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, thanh thiếu niên bị gay và lesbian gặp tình huống này sẽ có khuynh hướng tự tử gấp hai lần thanh thiếu niên bình thường.
Trên trang web của FHI (Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế), nhà sư Pháp Dụng gửi lời nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ rằng: “Khi con thưa thật con là một người đồng tính, ta đừng vội la rầy, giận dữ. Nếu ta phản ứng bằng thái độ không chấp nhận, em sẽ bị một vết thương rất sâu ở trong lòng và tự dặn là sẽ không bao giờ nói ra sự thật về mình nữa.
Gia đình giống như là mặt đất, nơi nương tựa của tất cả các loài cỏ cây. Không có gia đình nâng đỡ, các em phải chịu nhiều mặc cảm và tâm lý em sinh ra nhiều biến chứng. Người đồng tính có những quan niệm về hạnh phúc khác, điều này cha mẹ phải thông cảm và tôn trọng. Có thể suốt đời người đồng tính không hề lập gia đình. Nhưng khi không có gia đình, quan hệ tính dục của em có thể trở nên bừa bãi, chớp nhoáng mà không hề có tình thương...
Người đồng tính cũng có thể có gia đình, có tình thương, có sự chung thủy, nuôi dạy con và đóng góp nhiều điều tốt lành cho xã hội. Vì xã hội chưa chấp nhận người đồng tính nên điều các em cần nhất là sự chấp nhận của gia đình. Nếu gia đình thành công trong việc hướng dẫn con em ta sống có hạnh phúc như một người đồng tính thì xã hội sẽ thay đổi cái nhìn của mình về những người như em”.
Tôi không muốn làm mẹ buồn! “Tôi sẵn sàng đối đầu với mọi khó khăn, mọi ánh mắt kỳ thị nhưng tôi không muốn, không dám làm mẹ tôi buồn rầu” - một thành viên của diễn đàn taoxanh.net tâm sự. Còn TH, một bạn gay, cũng chia sẻ: “Tôi không sợ cha mẹ xa lánh, hắt hủi nhưng tôi sợ cha mẹ thất vọng, đau lòng và suy sụp. Một mình mình cam chịu là đủ rồi”. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều bạn trẻ đã “bước ra ánh sáng” với tất cả bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí xuất hiện trên báo chí nhưng lại nhất định không thổ lộ với ba mẹ. Các em không sợ xã hội khinh chê mà chỉ sợ làm cha mẹ - những người mà các em yêu thương nhất - phiền lòng. Vậy tại sao những người làm cha, làm mẹ lại không nghĩ đến những nỗi đau mà các em phải gánh chịu để chia sẻ, nâng đỡ các em? |
Theo Pháp luật TPHCM