Xôn xao chuyện 2 trẻ chết vì sốt xuất huyết

10:48, 15/12/2009

Hai ca trẻ tử vong vì bệnh sốt xuất huyết chỉ cách nhau 2 ngày ở Bệnh viện Đa khoa Long An đang làm xôn xao dư luận ở TP.Tân An.

Hai ca trẻ tử vong vì bệnh sốt xuất huyết chỉ cách nhau 2 ngày ở Bệnh viện Đa khoa Long An đang làm xôn xao dư luận ở TP.Tân An.

“Tuần lễ đen” của khoa Nhi

Trong hơn 11 tháng đầu năm 2009, BVĐKLA tiếp nhận điều trị hơn 1 ngàn ca sốt xuất huyết, nhưng chỉ xảy ra 1 trường hợp tử vong do bệnh nhi từ huyện vùng sâu Tân Thạnh chuyển lên quá trễ. Thế nhưng, chỉ trong 3 ngày (từ 3 đến 5-12) lại xảy ra 2 ca tử vong tại khoa Nhi BVĐKLA.

Trường hợp đầu (bé gái 8 tuổi tên Như Ý) gia đình không có gì phàn nàn, vì bé từ Mộc Hóa chuyển đến BVĐKLA quá trễ.

Trường hợp thứ hai (bé Châu Phước Sang, 6 tuổi, phường 1, TP.Tân An) gia đình đang phản ứng gay gắt, vì theo anh Châu Ngọc Bình – cha của cháu Sang – cho biết, vì vợ chồng anh mới có 1 con, nên gia đình rất cưng yêu. Tối thứ sáu 27-11, sau khi đi học thêm (lớp 1) về, phát hiện cháu bị sốt, gia đình đã đưa ngay đến BVĐKLA. Cháu được cho nhập viện với chẩn đoán “nhiễm siêu vi”.

Mãi 3 ngày sau, tức ngày 30-11, các bác sĩ (BS) mới kết luận cháu bị SXH độ I. Rồi bệnh tăng lên độ II, độ III và bé Sang đã tử vong sáng sớm ngày thứ năm 3-12, tức 6 ngày sau khi nhập viện.

Trẻ sốt xuất huyết - Ảnh minh họa

Theo anh Bình, gia đình anh bức xúc phản ứng gay gắt với BVĐKLA vì cháu Sang được đưa đến BVĐKLA không trễ (thậm chí quá sớm) và trong suốt quá trình điều trị gia đình nhiều lần đề nghị cho chuyển cháu Sang lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), nhưng bệnh viện đều từ chối. Ban đầu thì BS trả lời “bệnh không có gì, ở đây thừa sức trị”, về sau thì “chuyển đi rất nguy hiểm”.

Cũng theo anh Bình, trong quá trình điều trị cháu Sang, các BS, y tá đã không quan tâm đúng mức đến người bệnh và gia đình họ, hay gắt gỏng và không thông tin về tình trạng bệnh. Theo anh Bình, gia đình anh muốn làm sáng tỏ cái chết cháu Sang (có phải do BVĐKLA tắc trách) không phải để đòi bồi thường, mà là để “các cháu khác không bị chết oan uổng tương tự”.

Bệnh viện đã điều trị đúng?

BS Vũ Văn Bến – Trưởng khoa Nhi BVĐKLA – cho biết, ông (cùng một số BS khác) có trực tiếp điều trị cho cháu Sang. Theo hồ sơ bệnh án, cháu Sang được đưa vào ngày đầu (của bệnh SXH) khi mà triệu chứng SXH chưa xuất hiện, nên BS chẩn đoán “sốt siêu vi”. Ngày hôm sau khám thấy cháu Sang đỏ cổ họng, BS cho điều trị “viêm họng” để theo dõi.

Đến ngày 29.11, trực tiếp BS Bến khám cho cháu Sang và chẩn đoán nghiêng về bệnh SXH. Đến ngày 30.11 các BS mới chính thức ghi nhận SXH độ I và bắt đầu điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Giải thích về việc bệnh nhân SXH đến BVĐKLA rất sớm mà vẫn chết, BS Bến cho rằng đó là điều mà y học hiện đại vẫn còn “nợ người bệnh”, nó thuộc về “tỉ lệ tử vong cho phép” đối với bệnh SXH.

BS Bến cũng cho biết, từ đầu năm 2009, khoa Nhi đã tiếp nhận điều trị hàng trăm ca SXH khi chuyển đến đã rất nặng (độ III, độ IV) nhưng đều chữa trị thành công.

BS Phan Lợi – Phó Giám đốc BVĐKLA – cho biết, đích thân ông đã đến chia buồn và tiếp nhận phản ánh của gia đình cháu Sang.

Hội đồng Khoa học – Kỹ thuật bệnh viện đã họp ngày 7.12 để xem xét trường hợp tử vong này và kết luận không có sai sót trong quá trình điều trị.

BS Lợi cũng cho biết, BVĐKLA sẽ đưa bệnh án lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 để nhờ đánh giá, góp ý.

Về những điều cần rút kinh nghiệm trong trường hợp này, BS Lợi nói: “Nếu đánh giá bệnh cảnh nặng, tiên lượng dè dặt phải báo cho người nhà ngay, đồng thời phải tôn trọng, tạo điều kiện giúp người nhà chọn cơ sở điều trị theo yêu cầu. Một số nhân viên bệnh viện cần phải cảm thông và vui vẻ hơn trong quá trình giao tiếp với người bệnh và người nhà”.

Theo Lao Động