Nghĩa địa AIDS và những ngôi mộ không di ảnh

14:14, 02/12/2009

Ba năm, nghĩa địa Giồng Thành (An Giang) mất 500 m2 đất cho người chết vì căn bệnh AIDS. Ông già quản trang bảo, cứ đà này, đến năm 2012 nghĩa địa phải đóng cửa vì hết… chỗ.

Ba năm, nghĩa địa Giồng Thành (An Giang) mất 500 m2 đất cho người chết vì căn bệnh AIDS. Ông già quản trang bảo, cứ đà này, đến năm 2012 nghĩa địa phải đóng cửa vì hết… chỗ.

Nghĩa địa từ thiện của chùa Giồng Thành (phường Long Sơn, thị xã Tân Châu, An Giang), ai nghèo khó “lỡ” chết không có đất gửi thân thì được đưa đến nằm. Nhưng từ khi số người chết vì AIDS đến “tá túc” ngày càng nhiều, dân địa phương bắt đầu đặt cho nó cái tên nghe đã sởn gáy: “nghĩa địa AIDS”.

Bị người thân lãng quên

Gửi nhờ xe ở chùa Giồng Thành, ông Tư Nghiệp (Trần Công Nghiệp), quản trang “nghĩa địa AIDS”, lọc cọc trên chiếc xe đạp cà tàng dẫn chúng tôi vào nghĩa địa. “Nghĩa địa AIDS” nằm chơi vơi giữa một cánh đồng. Tội nghiệp cho ông già quản trang ở tuổi “thất thập cổ lai hy” phải vẹt đám cỏ sướt, cỏ ké đầu ngựa mà bước. Phần lớn ngôi mộ ở đây được xây cất đàng hoàng, chỉ một vài ngôi mộ đắp đất.

Ông Tư dẫn chúng tôi đến ngôi mộ người chết vì căn bệnh AIDS đầu tiên nằm tại đây. Ngôi mộ với tấm bia rêu phong bị cỏ ké đầu ngựa vây quanh. Ông Tư vạch cỏ, ghé mắt sát mặt vào tấm bia đọc to “lý lịch” người quá cố: N.V.U, mất năm 2003, hưởng dương 29 tuổi. “Những người nằm ở đây đều chết trẻ chú em ạ, có người mới mười mấy đôi mươi. Tội nghiệp!”, ông Tư nói với vẻ mặt buồn buồn. Ông đưa tay chỉ hai ngôi mộ nằm đối đầu với nhau: “Đây là hai anh em ruột, chết cách nhau một năm. Tội nghiệp cho ông già hai cậu ấy, cứ xin tui cho con được nằm như vậy. Nghĩa tử, nghĩa tận mà, ai nỡ từ chối”.

Ông Tư Nghiệp trong “nghĩa địa AIDS”.
Ông Tư Nghiệp trong “nghĩa địa AIDS”.

Cách đấy không xa là mộ một cô gái trẻ. Ông Tư bảo cô gái này có bà con với hai anh em nọ. Tất cả ngôi mộ ở đây đều không được người nhà gắn di ảnh trên bia đá. Theo ông Tư, vì người nhà của họ sợ thiên hạ gièm pha nên mới làm như thế. Không ai biết tung tích họ, ngoại trừ người thân. Những người như N.T.T hay N.V.T và nhiều người khác đã đi vào thế giới vĩnh hằng một cách âm thầm. Không ai, kể cả người thân, muốn họ còn vương vấn điều gì với thế gian.

Phiêu bạt, hút chích rồi chết trẻ

Chúng tôi hỏi ông Tư sao biết những người trẻ nằm đây là bởi căn bệnh AIDS? “Tui hỏi mấy chú đi đào huyệt. Họ bảo, chết do bệnh AIDS”, ông đáp. Những gia đình có người thân chết vì AIDS chỉ muốn có một đám tang thật lặng lẽ. Nhiều lần, giữa đêm khuya họ mới báo cho ông cần đất chôn. Thế là nửa đêm ông Tư lại lọ mọ ra nghĩa địa.

“Nhiệm vụ của tui là tìm vị trí rồi đo miếng đất ngang 0,8m, dài 2,2m. Nếu họ không có hòm thì vận động bà con đóng góp rồi đi mua. Khi nằm đây, gia đình họ không phải mất đồng nào”, ông Tư bảo.

“Thế ông Tư có biết vì sao họ mang căn bệnh thế kỷ không?”. “Sao không, mấy năm trước thanh niên vùng này không có việc làm chạy sang Campuchia tìm việc. Rồi đàn đúm ăn chơi, hút chích mới mắc bệnh AIDS, khi trở về quê hương thì chỉ còn nằm chờ chết”.

Ông Tư nhìn xa xăm: “Tui lo cho mấy em ở đây quá. Họ như con ngựa bất kham không lo gì đến tương lai cả. Mỗi sáng ra quán cà phê gặp đám thanh niên tui vẫn lấy những cái chết ở nghĩa địa này để làm nên câu chuyện khuyên bảo chúng, có đứa nghe gật gù, có đứa mặt cứ tỉnh bơ”. Ông Tư cho biết hiện nghĩa địa đã có 300 ngôi mộ, chiếm 2/3 diện tích đất rồi. Cũng là “cát bụi trở về cát bụi” nhưng nói như ông Tư những cái chết trẻ ở đây “phí phạm và đau lòng quá!”.

Ông Trần Hữu Minh, cán bộ Chương trình Phòng chống HIV/AIDS phường Long Sơn, cho biết, lúc cao điểm phường quản lý 140 ca HIV/AIDS, hiện chỉ còn 3 - 4 ca. “Thời gian trước khi kinh tế còn khó khăn nên nhiều bạn trẻ phải qua Campuchia làm ăn… Rồi họ mang căn bệnh AIDS về quê nằm chờ chết”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, hiện ở thị xã Tân Châu có đến khoảng 1.000 ca HIV/AIDS. Theo bà Võ Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Long Sơn, thị xã Tân Châu có đến 3-4 nghĩa trang nhân dân và trong những nghĩa địa này không ít ngôi mộ của người bị bệnh AIDS.

Theo Đất việt